Vượt sóng gió nhờ táo bạo

Liên tục ở trong tình trạng khó khăn trong bối cảnh thị trường vận tải biển bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế suốt từ năm 2008 tới nay, nhưng Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans) vẫn duy trì được đội ngũ đoàn kết, vững vàng và hiện đã bắt đầu kinh doanh có lãi trở lại. Một trong những giải pháp về tinh thần đầu tiên giúp PV Trans quy tụ được sức mạnh để vượt lên khó khăn chính là mạnh dạn đưa hoạt động doanh nghiệp vào hoàn cảnh khốc liệt như trong thời chiến, để từ đó mỗi người phải biết đặt kỷ cương và trách nhiệm lên hàng đầu trong công việc.

 

Đặt doanh nghiệp như… thời chiến

 

Việc ban lãnh đạo PV Trans tự đặt giả thiết doanh nghiệp đang trong thời chiến có lẽ là rất xác đáng, bởi những khó khăn kéo dài dai dẳng cạnh tranh gay gắt trên thị trường vận tải biển trong nhiều năm qua. Hiện thị trường đang ở mức mất cân đối, cung lớn hơn cầu trên toàn thế giới, do số lượng tàu vận tải biển tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Tình trạng này dẫn đến giá cước vận tải luôn ở mức thấp kéo dài, thấp hơn giá các chi phí duy trì, bảo dưỡng tàu, dẫn đến hàng loạt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển ở cả trong nước và quốc tế kinh doanh thua lỗ, thậm chí phải bán tàu, bị phá sản, nhiều tàu phải dừng hoạt động do không có kinh phí chi trả bảo hiểm, nhiên liệu, lương thuyền viên…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Năm 2013, thị trường vận tải biển hàng lỏng vẫn gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng, nhiều quốc gia phải áp dụng chính sách tiết kiệm nhiên liệu, trong khi tiếp tục có một số lượng tàu mới ra đời và đi vào hoạt động do được đóng từ giai đoạn trước. Hiện tổng số lượng tàu dầu thô có tải trọng từ 10.000 đến trên 200.000 DWT là 1.844 chiếc. Dự kiến đến cuối năm 2013, tổng số lượng đội tàu dầu thô toàn cầu sẽ là 1.853 chiếc. Đội tàu vận chuyển sản phẩm dầu tải trọng dưới 25.000 DWT và trên 25.000 DWT của thế giới lần lượt là 7.273 và 2.576 chiếc... tạo ra thế cạnh tranh không khoan nhượng. Năm 2014, các chủ tàu hy vọng hoạt động kinh doanh sẽ sáng sủa hơn do lượng tàu đóng mới giảm, hiệu suất sử dụng lượng tàu hiện tại sẽ tăng lên, nhưng tất cả còn ở phía trước.

 

Ở trong bối cảnh khó khăn đó, bên cạnh rất nhiều giải pháp quyết liệt về sản xuất kinh doanh như rà soát lại toàn bộ bộ máy hoạt động, giảm thiểu chi phí, tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa, chủ động tìm kiếm thêm các khách hàng tiềm năng quốc tế… ban lãnh đạo PV Trans táo bạo áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn để duy trì khối đoàn kết và vượt qua khó khăn. Tổng giám đốc PV Trans - ông Phạm Việt Anh chia sẻ: Trong bối cảnh khó khăn như trong chiến tranh lửa đạn hiện nay, nếu không quyết tâm thì sẽ không làm được gì, hoạt động sản xuất kinh doanh không thể ổn định trở lại. Trong chiến tranh, người chỉ huy hô xung phong thì tất cả đội ngũ phải xung phong, nếu có những người tìm lý do này kia để không chấp hành thì không thể có chiến thắng. Tất cả phải hiệp đồng tạo thành một khối thống nhất, tạo sức mạnh tập thể.

 

Vượt khó nhờ kỷ cương và trách nhiệm

 

Xác định được hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt hiện nay, PV Trans đặt vấn đề kỷ cương và trách nhiệm lên thành tiêu chí hàng đầu trong giai đoạn này. Thông qua Đảng ủy, Hội đồng quản trị, các cán bộ chủ chốt của PV Trans đã họp đưa ra chi tiết vấn đề kỷ cương trong bộ máy vận hành tổng công ty. Theo đó, ngoài việc phải tuân thủ tất cả quy định của pháp luật, Nhà nước, nội quy, quy định của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV Trans tiến hành rà soát lại tất cả quy chế hoạt động của các đơn vị phía dưới. Các tiêu chí khen thưởng, kỷ luật đưa ra rất rõ ràng và thực hiện đúng theo phương châm “quân pháp bất vị thân”, không ai được phép là ngoại lệ, người không tuân thủ sẽ phải chịu mọi hình thức kỷ luật. Lãnh đạo trung cao cấp phải là những người đầu tiên thực hiện nghiêm kỷ cương của tổng công ty, sau đó mới đến người lao động.

 

Các công ty con cũng như từng cá nhân phải thực hiện triệt để tất cả các chỉ tiêu kế hoạch do tổng công ty đề ra, không được nêu bất cứ lý do nào để không thực hiện và không chấp nhận cách làm việc đối phó. Nếu có lý do khó khăn khách quan thì phải đưa ra bàn bạc, có giải pháp khắc phục, đồng thời phải có giải pháp dự phòng trong tình huống khó khăn nhất. Lãnh đạo không thể là người “chỉ tay năm ngón”, mà phải cùng các đơn vị thành viên tìm cách tháo gỡ khó khăn, phải đứng ở “đầu sóng ngọn gió” khi cần. Những giải pháp mạnh mẽ này đã giúp từng cán bộ, bộ phận, đơn vị của PV Trans dần tạo thành thói quen biết lo lắng và tìm cách tối ưu giải quyết công việc.

 

Đi đôi với kỷ cương, vấn đề trách nhiệm được PV Trans coi là nòng cốt, trung tâm trong các hoạt động. Trách nhiệm được ban lãnh đạo tổng công ty đặt ra một cách tổng thể, chi tiết và không hề sáo rỗng. Theo đó, PV Trans phải thể hiện trách nhiệm trước hết với Tổ quốc bằng việc tạo công ăn việc làm, đóng thuế đầy đủ, đảm bảo an ninh quốc phòng bằng các hoạt động vận tải trên biển. Trách nhiệm đối với Tập đoàn, các cổ đông phải thể hiện bằng việc làm ăn hiệu quả, bảo toàn vốn, chia lợi tức công bằng. Trách nhiệm với người lao động bằng việc đảm bảo ổn định thu nhập, tạo môi trường làm việc, phát triển năng lực cá nhân. Trách nhiệm với xã hội bằng cách hoạt động, thiện nguyện, bảo vệ môi trường…

 

Dù không tránh khỏi những hoang mang ban đầu và tác động tâm lý từ bên ngoài do tổng công ty liên tục trong tình trạng khó khăn, công tác quản lý của PV Trans dần đi vào nề nếp, tập thể có sự chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới. Có lẽ sau giai đoạn khó khăn này, kỷ cương và trách nhiệm sẽ trở thành một trong những nét văn hóa đặc thù của PV Trans. Minh chứng rõ nhất cho sự đồng thuận vượt khó này là kết quả sản xuất kinh doanh chung của tổng công ty đang dần hồi phục.

 

Trong đó, có những đơn vị khó khăn nhất như Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu Phương Nam, Công ty Cổ phần Vận tải Dầu Phương Đông Việt thua lỗ kéo dài, lỗ lũy kế lớn, gần như mất hết vốn điều lệ, nay đã bắt đầu phục hồi và kinh doanh có lãi trở lại. Nếu như năm 2010, PV Trans ở trong tình trạng rất khó khăn, Tập đoàn phải tiến hành nhiều cuộc họp liên tục tháo gỡ, thì năm 2011, PV Trans đã bắt đầu hồi phục dần, năm 2012 cơ bản xử lý nhiều vấn đề như công nợ khó đòi, chênh lệch tỉ giá… Từ tiền đề đó, năm 2013, trong 8 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất của PV Trans đã đạt 230 tỉ đồng, dự kiến cuối năm sẽ đạt mức 260-280 tỉ đồng, vượt xa so với kế hoạch khiêm tốn từ đầu năm.

 

Bằng cách siết chặt kỷ cương và trách nhiệm, cộng với các giải pháp quyết liệt, đúng hướng của ban lãnh đạo, sự nỗ lực của tập thể người lao động, sự cộng tác tích cực của khách hàng, PV Trans từng bước vững vàng vượt qua sóng gió trong bối cảnh khó khăn chung. Trên đà phục hồi đó, hy vọng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV Trans sẽ dần hoạt động ổn định và phát triển trong tương lai không xa.

 

Theo Việt Thanh - PetroTimes