Vừa qua, Báo Năng lượng mới số ra ngày 25/4/2011 đã có bài viết về hoạt động của Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí trong thời kỳ giá xăng dầu tăng. & Sau đây là nội dung bài báo:
TÀU LỚN QUYẾT VƯỢT SÓNG TO
Hầu hết các hãng taxi đã đồng loạt tăng giá cước lên thêm 1.000 đồng/km từ đầu tháng 4/2011, sau khi xăng tăng giá. Mặc dù có đội xe Petro Taxi chạy bằng nhiên liệu sạch đang ngốn khoản đầu tư ban đầu lớn hơn taxi chạy bằng xăng, nhưng với Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans), tại thời điểm này, biến động cước vận tải bằng taxi chưa phải là mối quan tâm lớn. Khó khăn từ giá xăng dầu tăng nằm ở đội tàu vận chuyển dầu và khí trọng tải hàng ngàn tấn chạy đường dài trên biển. So sánh như thế để thấy được phần nào sức ép nặng nề từ biến động giá xăng dầu lên doanh nghiệp có đội tàu vận chuyển dầu khí lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Tác động kép từ tăng giá xăng dầu và chênh lệch tỉ giá ngoại tệ
Giá nhiên liệu chiếm tới 40-60% giá thành vận chuyển của các doanh nghiệp vận tải. Khi giá nhiên liệu có điều chỉnh, doanh nghiệp vận tải sẽ bị tác động trực tiếp. Với các dịch vụ chính vận chuyển dầu thô, dầu sản phẩm, khí và hóa chất, tàu kho chứa dầu, vận tải đường bộ, PVTrans không tránh khỏi tác động mạnh từ giá nhiên liệu điều chỉnh. Từ khi giá dầu điều chỉnh tăng 4.900 đồng/kg, giá vé máy bay đang được xem xét điều chỉnh tăng hơn 22%, giá cước taxi, tàu, xe đường bộ đồng loạt điều chỉnh tăng. Các tàu khổng lồ của PVTrans như những chiếc xe tải ngậm đầy dầu chạy trên biển, có lực cản lớn hơn nhiều so với đường không và đường bộ. Trong đó, tàu chở dầu thô có thể gọi là một trong những “nhà vô địch tiêu thụ nhiên liệu” trong các loại hình vận tải. Dầu thô mới bơm lên ở dạng sền sệt, nặng và chứa nhiều tạp chất, khác xa với xăng dầu sản phẩm và rất dễ bị đông đặc. Ngoài số nhiên liệu sử dụng cho động cơ chính vận hành tàu, còn cần số nhiên liệu lớn để đốt nồi hơi, sấy hầm hàng, khuấy dầu liên tục qua hệ thống bơm để lưu thông được dầu khi tới đích. Nhiệt độ hầm hàng dầu thô luôn phải đảm bảo ở mức 49-52 độ C, tùy theo vùng hoạt động, số nhiên liệu dùng đốt nồi hơi, sấy hầm hàng sẽ tiêu tốn lên nhiều hay ít. Hiện PVTrans đang sở hữu đội tàu gồm 4 tàu chở dầu thô và 2 tàu đang đóng mới, 7 tàu chở dầu sản phẩm, 6 tàu chở khí hóa lỏng LPG, 2 tàu kho nổi FPSO/FSO. Trong đó, những chiếc tàu chở dầu thô có trọng tải trên 100.000 tấn – lớn nhất Việt Nam hiện chưa có cảng biển nào ở Việt Nam đủ điều kiện cho tàu cập bến, người ta phải dùng phao neo cho tàu cách bờ vài hải lý.
Bên cạnh giá xăng tăng, tỉ giá USD/VNĐ chênh lệch cao cũng đang tác động mạnh lên các doanh nghiệp vận tải như PVTrans. Với hơn một nửa đội tàu hoạt động ở nước ngoài, hoạt động kinh doanh đang ở giai đoạn đầu tư, PVTrans đang đứng trước sức ép rất lớn do phải mua hầu hết vật tư thiết bị, nhiên liệu cho tàu ở nước ngoài bằng USD, trả lãi vay USD ngân hàng, cũng như đánh giá lại chênh lệch tỷ giá các khoản nợ vay gốc ngoại tệ…. Tình trạng lạm phát đội các chi phí lên cũng diển ra phổ biến ở các nước có tàu PVTrans hoạt động như Ả Rập Saudi, Úc, Singapore… Đó là chưa kể, PVTrans đang ở giai đoạn khó khăn chung do thị trường vận tải thế giới suy giảm. Từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường vận tải bị suy giảm còn khoảng 30%, hiện mới chỉ nhích lên được khoảng 40%. Với hoạt động kinh doanh vận tải, dù tàu chưa có hàng để chở nhưng chủ tàu vẫn phải bỏ tiền vận hành, bảo dưỡng định kỳ để “nuôi” tàu. Có ai đó nói ví von, giá nhiên liệu tăng và việc điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ như động đất và sóng thần đang gây tác động kép, khiến doanh nghiệp vận tải Việt Nam lâm vào một giai đoạn rất khó khăn.
Linh hoạt ứng phó với khó khăn
Sau 9 năm hoạt động của PVTrans, giai đoạn suy thoái của thị trường vận tải biển quốc tế hiện nay cùng với lần biến động giá xăng dầu, điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ lần này là khó khăn lớn nhất. Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVTrans cho biết, bên cạnh các khó khăn chung của thị trường vận tải trong 1-2 năm gần đây, thiệt hại của tổng công ty do biến động giá xăng dầu và điều chỉnh tỷ giá có thể lên tới vài trăm tỉ đồng. Nhưng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo cụ thể, thiết thực từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự hỗ trợ của các đơn vị trong ngành như PVOil, BSR, VSP…, PVTrans đang quyết tâm nỗ lực kinh doanh có lãi, không lỗ và cố gắng chưa điều chỉnh kế hoạch đặt ra từ đầu năm.
Để làm được điều đó, PVTrans đang áp dụng nhiều biện pháp quản lý, các giải pháp tài chính, thị trường quyết liệt, linh hoạt, khích lệ được tinh thần tiết kiệm và sáng tạo trong toàn thể cán bộ công nhân viên tổng công ty. PVTrans đang làm việc với các đối tác để điều chỉnh giá cước theo đúng quy định hợp đồng và thông lệ quốc tế, song việc điều chỉnh giá luôn có độ trễ nhất định, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tổng công ty tìm các khoản vay tái cấu trúc, tập trung xử lý tài chính cho các đơn vị thành viên đang khó khăn nhất. Tinh thần tiết kiệm ít nhất 5% nhiên liệu không chỉ được kêu gọi, mà còn được áp dụng thành chế độ thưởng – phạt rõ ràng. PVTrans đã rà soát lại tất cả các tiêu hao nhiên liệu, ban hành định mức mới, gắn trách nhiệm vào thuyền viên ngay từ quý I/2011. Mỗi thuyền viên lên tàu phải có cam kết và kí quỹ tiêu hao nhiên liệu, hao hụt hang hóa, tàu nào có tiêu hao vượt quy định không có lý do chính đáng thì thuyền viên sẽ bị trừ tiền ký quỹ, ngược lại, ai tiết kiệm hơn sẽ được thưởng. Các sáng kiến tiết kiệm nhiên liệu, khai thác tàu hợp lý được ban hành quy chế và khuyến khích tìm tòi thêm. Ví dụ với hệ thống nồi hơi trên tàu chở dầu, thay vì đốt liên tục như trước đây, nay PVTrans áp dụng chế độ đốt duy trì, thuyền viên phải kiểm soát chặt nhiệt độ hầm hàng, khi nào cần mới đốt lại. Với các đội tàu quốc tế, PVTrans tìm cách khai thác các hành trình hợp lý, tìm mua nhiên liệu, tìm điểm phí kho ngoại quan rẻ hơn… để tiết kiệm chi phí. Giải pháp tìm hướng kinh doanh mới cũng được áp dụng linh động. PVTrans tăng cường các hoạt động kinh doanh ổn định, hiệu quả ít biến động như dịch vụ kho nổi FPSO/FSO trên biển, tham gia vào các pool vận tải quốc tế, mở rộng thị trường ra bên ngoài và đa dạng hóa các dịch vụ có hiệu quả hơn…
Hàng loạt giải pháp ứng phó được thực hiện từ cấp lãnh đạo tới từng thuyền viên, đã cho thấy sự căng thẳng, áp lực nặng nề và kéo theo khối lượng công việc phát sinh rất lớn, nhưng chúng tôi cảm nhận được tâm thế chủ động, bình tĩnh trong mỗi con người ở PVTrans. Có lẽ đó là tâm thế của người điều khiển những con tàu lớn. Mặc cho lực cản lớn lao của biển, những con tàu sẽ vẫn vượt đại dương và tìm kiếm những hành trình ngày càng xa hơn, dài hơn!
Thanh Loan (Báo Năng lượng mới)
Đọc thêm:
- Lễ đặt tên tàu FPSO Lewek Emas dự án mỏ Chim Sáo lô 12W
- Hội nghị tổng kết công tác Đảng, công tác sản xuất kinh doanh năm 2010, triển khai thực hiện kế hoạch năm 2011 và Hội nghị người lao động Tổng Công ty PV Trans
- Công ty TNHH Vận tải dầu khí Vũng Tàu nhận Chứng chỉ ISO 9001 - 2008
- PVTrans vận chuyển thành công lô dầu thô nhập khẩu đầu tiên cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
- PVTrans vận chuyển lô hàng polypropylen đầu tiên của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
- PV KEEZ ký Hợp đồng tín dụng cho dự án đầu tư và hoán cải FPSO phục vụ mỏ Chim Sáo và Dừa
- PetroVietnam đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản
- Ký kết hợp đồng vận chuyển dầu thô giữa Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí và Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa Dầu Bình Sơn
- Tổng Công ty PVTrans làm đầu mối vận chuyển đường biển sản phẩm của Nhà máy Polypropylen Dung Quất và thu xếp vận chuyển (đường bộ và đường biển) toàn bộ sản phẩm của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ
- Báo Giao thông Vận tải phỏng vấn Tổng Giám đốc PVTrans