Nỗ lực tham gia thị trường vận tải dầu thô quốc tế

ND - Thực hiện Quyết định số 1394/QÐ-TTg ngày 29-10-2001 của Thủ tướng Chính phủ về phương án xây dựng đội tàu vận tải dầu thô của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Công ty Vận tải dầu khí (PVTrans) đã được thành lập và đi vào hoạt động.

Mục tiêu hoạt động của công ty được xác định là bảo đảm vận tải dầu thô xuất khẩu với khối lượng ít nhất đạt 30% lượng dầu xuất khẩu hằng năm; đáp ứng yêu cầu vận tải dầu thô cho các nhà máy lọc dầu trong nước; từng bước xây dựng đội tàu lớn mạnh, tiến tới tham gia thị trường vận tải dầu thô khu vực và thế giới.

Hiệu quả bước đầu

So với các doanh nghiệp vận tải viễn dương khác, sự ra đời của PVTrans muộn hơn, điều kiện phát triển đội tàu gặp khó khăn, chi phí vận tải, nhất là nhiên liệu tăng cao... nhưng với quyết tâm khẳng định vị thế của mình trên thị trường vận tải dầu thô, lãnh đạo công ty đã thực hiện bước đột phá quan trọng trong đầu tư mua sắm phương tiện, khai thác mức cao nhất tàu vận tải dầu thô loại Aframax đầu tiên của Việt Nam, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ngày 17-4-2003, tàu PoseidonM sức chở 100 nghìn tấn chính thức vận chuyển lô hàng đầu tiên ra nước ngoài. Từ đó đến nay, con tàu này đã vận chuyển nhiều chuyến dầu thô xuất khẩu từ Việt Nam đến các cảng của Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... và thực hiện nhiều hợp đồng vận chuyển dầu thô cho các chủ hàng nước ngoài đi các tuyến từ Australia - Hàn Quốc, từ Trung Ðông đi Singapore... và nhiều cảng quốc tế khác. Sau những thành công của con tàu đầu tiên, tháng 5-2006, con tàu số 2 mang tên HerculesM được đưa vào khai thác. Ðến nay, sau một năm hoạt động liên tục, với hiệu suất cao, tàu HerculesM đã thực hiện được 12 chuyến vận tải dầu thô quốc tế. Vận tải dầu thô là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với ngành dầu khí, bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, trong đó yếu tố con người có ý nghĩa quyết định, phải từng bước xây dựng mới đáp ứng yêu cầu công việc. Vì vậy công ty đã hoạch định chiến lược tuyển dụng đào tạo đội ngũ nhân viên, thuyền viên giỏi, năng động. Ðồng thời, phối hợp nhịp nhàng giữa đội ngũ cán bộ thương mại làm việc trên bờ và thủy thủ dưới tàu, đẩy mạnh tìm kiếm bạn hàng bảo đảm nguồn hàng để những con tàu quay vòng liên tục, nâng cao tần suất khai thác phương tiện.

Việc tổ chức quản lý điều hành đội tàu vận tải dầu thô an toàn, hiệu quả, vươn ra tìm bạn hàng mới khai thác thị trường vận tải dầu thô quốc tế đã giúp công ty đạt hiệu quả cao trong kinh doanh. Tính đến hết tháng 4-2007, tổng doanh thu đội tàu đạt hơn 1.123 tỷ đồng. Trong lễ trao các quyết định nhân sự chủ chốt, lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cho phép công ty được lỗ trong hai năm đầu, nhưng nhờ cố gắng của cả tập thể công ty và những thủy thủ, năm 2003, năm đầu tiên đưa tàu vào khai thác, công ty đã lãi 11 tỷ đồng, đến năm 2006 lãi 56 tỷ đồng. Dự kiến mức lãi năm 2007 là 57 tỷ đồng. Nhờ làm ăn hiệu quả, mức đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ 774 triệu đồng (năm 2003) đã tăng lên 11 tỷ 233 triệu đồng năm 2006. Ðiều quan trọng hơn là từ năm 2006 đến nay giá nhiên liệu tăng nhiều lần, trong khi giá cước vận tải chỉ tăng khoảng 10%, công ty đã chủ động áp dụng biện pháp tiết kiệm chi phí, điều hành quyết liệt tăng nhanh vòng quay của đội tàu, cho nên hiệu quả kinh doanh vẫn đạt cao. Tính từ ngày đưa vào hoạt động đến nay, hai con tàu được vận hành liên tục (mỗi năm chỉ dừng khoảng 10 ngày để bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ), đây là yếu tố quyết định hiệu quả vì chỉ cần dừng tàu một ngày phải chi cho khấu hao, nhiên liệu, tiền lương... hơn 10 nghìn USD, góp phần làm cho tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, trên đồng vốn đạt khá.

Ðịnh hướng cho tương lai

Sau khi Tổng công ty Dầu khí Việt Nam chính thức trở thành Tập đoàn Dầu khí quốc gia, hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến chế biến, kinh doanh các sản phẩm hóa dầu, vận tải... đang mở ra cho PVTrans những cơ hội mới. Theo mô hình mới, công ty sẽ trở thành Tổng công ty vận tải dầu khí đáp ứng nhu cầu dịch vụ đa dạng của toàn ngành.

Tổng công ty tiếp tục mở rộng hoạt động, đa dạng hóa phương thức kinh doanh, trong đó lấy vận tải làm nòng cốt. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công nghiệp và Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam về cổ phần hóa doanh nghiệp, công ty đã thực hiện xong việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng, đây cũng là điều kiện để doanh nghiệp mở rộng huy động vốn cho các dự án. Ðể thực hiện mục tiêu lâu dài, công ty đang tính toán phương án đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế để đa dạng hóa kinh doanh. Từng bước tìm nguồn vốn xây dựng đội tàu đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu vận tải đầu vào, đầu ra cho các cơ sở lọc hóa dầu. Theo tính toán, sau khi ba nhà máy lọc hóa dầu đi vào vận hành, riêng nhu cầu vận tải dầu thô khối lượng hàng vận chuyển hằng năm đã lên tới 30 triệu tấn, chưa kể vận chuyển sản phẩm xăng dầu của các cơ sở này và tăng cường các hoạt động thương mại sau chế biến. Theo kế hoạch, trong thời gian tới sẽ tập trung xây dựng hai tòa nhà cao tầng làm văn phòng cho thuê ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Nhằm mở rộng các hoạt động thương mại ra thị trường thế giới, vừa qua lãnh đạo PVTrans đã tìm kiếm đối tác ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Gopco (Cô-oét) và Tập đoàn Almana (Ca-ta). Theo thỏa thuận, hai tập đoàn này đã sẵn sàng làm đầu mối đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực hóa dầu, kinh doanh bất động sản. Ðồng thời, họ sẽ là đầu mối giúp công ty phát triển thị trường và trở thành đại diện của công ty ở hai nước để tăng cường các hoạt động mua bán dầu thô, xăng dầu, khí hóa lỏng. Ðây là một hướng đi quan trọng giúp công ty phát triển kinh doanh trong những năm tới.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm khai thác năng lực vận tải dầu thô và các sản phẩm hóa dầu, PVTrans đã vạch kế hoạch phát triển đội tàu với tổng mức đầu tư đến năm 2010 xấp xỉ 1 tỷ USD. Trong đó, công ty đã ký hợp đồng với Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam thực hiện dự án đóng mới ba tàu chở dầu thô sức chở 105 nghìn tấn/chiếc, trị giá 63 triệu USD/tàu. Trong kế hoạch phát triển đội tàu sẽ đóng mới các loại tàu chở xăng dầu, chở ga, chở hóa chất... Cùng với triển khai đóng mới, mua sắm phương tiện, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động vận tải, vận hành đội tàu những năm tới đang được chú trọng đúng mức, công ty đang hợp tác với công ty quản lý tàu nước ngoài mở trung tâm xúc tiến đào tạo thuyền viên, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao để vận hành đội tàu và xuất khẩu lao động. Công ty đã làm việc với Trường đại học Hàng hải Hải Phòng và Trường giao thông vận tải phía nam nhận đỡ đầu sinh viên giỏi ở những năm cuối, tài trợ học bổng để các em có điều kiện học tập tốt hơn, sau khi ra trường gửi đi đào tạo tiếp. Lựa chọn những người đủ điều kiện gửi đi đào tạo nhiều cấp sĩ quan, từ phó 3, phó 4 ở trung tâm đào tạo quốc tế Ấn Ðộ và Philippines. Từng bước đưa người Việt Nam đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trên tàu thay thế người nước ngoài. Về lâu dài sẽ xây dựng trung tâm đào tạo chuyên môn cao, trẻ hóa đội ngũ thuyền viên giỏi tiếng Anh và chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phát triển đội tàu vận tải viễn dương và trong nước.

Tháng 5-2007, Công ty Vận tải dầu khí kỷ niệm năm năm thành lập, thời gian hoạt động chưa nhiều nhưng tập thể cán bộ, công nhân, viên chức đã toàn tâm toàn ý, đoàn kết nhất trí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, hoạt động của công ty còn một số hạn chế: tiến độ đầu tư còn chậm; chưa phối hợp chặt chẽ trong thu xếp các lô hàng vận chuyển dầu thô xuất khẩu theo điều kiện CFR, từ tháng 4-2003 đến nay mới vận chuyển được chín chuyến dầu thô xuất khẩu, chiếm tỷ lệ 1% lượng dầu xuất khẩu của ngành.

Phan Hùng