Sản lượng dầu tại rất nhiều giếng đang suy giảm tự nhiên, do khai thác đã quá lâu. Cộng vào đó là trữ lượng gia tăng quá thấp khiến từ nay đến năm 2025, sản lượng khai thác dầu sẽ giảm đều đặn mỗi năm 10% - tương đương với hơn 2 triệu tấn.
Thiếu nguồn vốn là nguyên nhân chính khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong những năm qua không thể đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thăm dò (TKTD) dầu khí để gia tăng trữ lượng. Sản lượng gia tăng để bù vào khai thác đã suy giảm đến mức đáng lo ngại, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành dầu khí Việt Nam. Theo ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lên tới 25 triệu tấn nhưng tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ là 4 triệu tấn. Nếu tình trạng mất cân đối giữa tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng và khai thác vẫn tiếp diễn như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí toàn ngành sẽ chỉ còn 1/3 sản lượng so với hiện nay.
Điều đáng lo ngại cho sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong khâu tìm kiếm – thăm dò – khai thác đó là nhiều cơ chế, chính sách hiện không còn phù hợp và đang là rào cản cho Tập đoàn
Luật Dầu khí đầu tiên được ban hành 1993 bắt đầu giai đoạn phát triển của ngành dầu khí, tuy đã được sửa đổi bổ sung vào các năm 2000, 2008 nhưng chưa được đánh giá tổng kết sau 25 năm thực hiện để rút ra những nội dung còn phù hợp, những nội dung không còn phù hợp với thực tế, cản trở sự phát triển của ngành/hoạt động dầu khí,
Điển hình, cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng trước đây đã không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi nên hoạt động này đang bế tắc. Nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất cho rằng cần phải bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí và các văn bản pháp quy dưới luật cho phù hợp với bối cảnh dầu khí hiện nay, đảm bảo tính hấp dẫn đầu tư, đồng thời kiến nghị cần có một định chế phù hợp để điều tiết chuỗi giá trị của ngành Dầu khí.
Các nước có ngành dầu khí phát triển trên thế giới đã áp dụng các cơ chế chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu và áp dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu, cụ thể như quy định mức thu hồi chi phí trong tương quan với các yếu tố khác như mức đầu tư hoặc chi phí chưa được thu hồi, áp dụng mức thuế tài nguyên, tỉ lệ chia dầu khí lãi ưu đãi đối với lượng dầu gia tăng do áp dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu. Theo thời gian sản lượng của các mỏ Dầu khí giảm dần, đến một lúc nào đó mỏ không còn mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư (theo các điều kiện của hợp đồng Dầu khí). Điển hình như trong thời gian qua một số Lô Hợp đồng đã được trả lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với lý do không còn hiệu quả kinh tế ví dụ như Lô 46/13 – mỏ Sông Đốc và Lô 01&02/97 mỏ Thăng Long, Đông Đô. Tuy nhiên, đối với nước chủ nhà nếu tiếp tục khai thác sẽ vẫn thu được các loại thuế (tài nguyên, xuất khẩu dầu...). Để khuyến khích các Nhà đầu tư (NĐT) khai thác tại những lô này, ngoài những giải pháp đột phá về kỹ thuật và quản trị, cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư như: Miễn/giảm thuế tài nguyên, thuế xuất dầu và thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tăng tỉ lệ phân chia dầu lãi cho nhà đầu tư... tuy nhiên các quy định trong Luật Dầu khí và mẫu hợp đồng dầu khí hiện nay được đánh giá là chưa phù hợp, không đủ khuyến khích các nhà đầu tư để tiếp tục đầu tư.
Yêu cầu tất yếu hoàn chỉnh Luật Dầu khí điều chỉnh các hoạt động liên quan đến dầu khí, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là rất cấp thiết.
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định, ngành công nghiệp dầu khí có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế thì phải có chính sách phù hợp để phát triển toàn bộ chuỗi hoạt động dầu khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ủy ban Ngân sách Quốc hội đã tiếp thu, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung, sửa đổi Luật Dầu khí vào chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh của Quốc hội giai đoạn 2019 - 2020 của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV.
Để thúc đẩy hoạt động TDKT dầu khí, đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như ngành Dầu khí Việt Nam trong thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành cần tạo nguồn vốn cho hoạt động TDKT phát triển bởi tương lai của ngành dầu khí phụ thuộc vào việc tìm kiếm và khai thác dầu khí.
Ngoài ra, dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền không chỉ bài toán năng lượng mà còn là chuỗi giá trị kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước. Bất cứ quốc gia nào cũng đều nắm giữ những phần cốt lõi và có Luật Dầu khí cho Công ty Dầu khí Quốc gia của họ. Bên cạnh đó, các nước còn xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ hoàn chỉnh cho toàn chuỗi giá trị, đặc biệt trong thăm dò khai thác dầu khí. Nếu tìm kiếm TDKT dầu khí phát triển thì các lĩnh vực khác trong ngành cũng có thể phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu cho Nhà nước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành quan tâm, ủng hộ việc xây dựng, hoàn chỉnh một hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp cho việc phát triển ngành Dầu khí nói riêng và ngành công nghiệp nói chung.
Theo Petrovietnam
Đọc thêm:
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng đầu Top 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất trong năm 2018
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm và làm việc tại Kuwait
- Trao bằng tốt nghiệp cho 155 học viên Lớp cao cấp lý luận chính trị K67-B30 và B31
- Tập đoàn Dầu khí Mubadala mong muốn mở rộng đầu tư trong lĩnh vực khai thác dầu khí
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đảm bảo công khai, minh bạch trong xử lý dự án chưa hiệu quả
- Cổ phiếu Dầu khí liên tục ghi nhận đà tăng
- Hoan nghênh các tập đoàn dầu khí Nga mở rộng hợp tác tại Việt Nam
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ủng hộ 250 tỷ đồng cho đồng bào nghèo trong năm 2018
- Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Israel tại Việt Nam
- Petrovietnam đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Công - Nhật Bản