Tái tạo văn hóa Petrovietnam cần triển khai kiên trì, đồng bộ

Văn hoá doanh nghiệp được hiểu là một hệ thống các giá trị, truyền thống, tập quán, ứng xử, nghi lễ, biểu tượng theo chuẩn mực Chân - Thiện - Mỹ được hình thành trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp, có khả năng lưu truyền, tạo nên bản sắc riêng và có tác động sâu sắc tới tâm lý và hành vi của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp, có tác dụng làm nên thương hiệu tin cậy, hấp dẫn đối với cộng đồng. Văn hóa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp suy yếu sẽ làm cho doanh nghiệp sa sút

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có lịch sử phát triển lâu dài nhờ đó văn hóa dầu khí/văn hóa Petrovietnam đã hình thành và phát triển mà đỉnh cao là tinh thần nhiệt huyết của những người đi tìm lửa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan văn hóa dầu khí chưa được nhận diện, hệ thống giá trị văn hóa chưa được rõ nét. Do vậy, tái tạo văn hóa Petrovietnam là việc làm hết sức cần thiết. 

Chính vì lẽ đó, trên cơ sở nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ Tập đoàn, Ngày 27/11/2019, đúng ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam, với mong muốn phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Dầu khí, Tập đoàn đã ban hành “Đề án tái tạo Văn hóa Petrovietnam” (đề án) tại Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và thành lập Ban chỉ đạo triển khai đề án, Trưởng ban chỉ đạo là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, phó trưởng ban thường trực là Tổng giám đốc Tập đoàn, điều này thể hiện tinh thần quyết tâm, ý chí thống nhất của cả hệ thống chính trị, bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn trong xây dựng văn hóa Petrovietnam.

Tái tạo văn hóa Petrovietnam trước hết để nhận diện những giá trị cốt lõi đã được định hình cho đến nay. Từ đó, xây dựng văn hóa bản sắc, xây dựng hình ảnh người Dầu khí. 

Hiện nay, nhiều đơn vị trong Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống các giá trị văn hóa của cho riêng mình. Đó chính là điểm thuận lợi cho quá trình tái tạo văn hóa Petrovietnam, là những vật liệu tốt cho quá trình xây dựng, là những sắc màu phong phú cho một bức tranh văn hóa đa dạng. Tuy nhiên, cái riêng vẫn cần có cái chung, dù bị chi phối bởi văn hóa vùng miền, văn hóa ngành nghề thuộc các lĩnh vực khác nhau nhưng điểm chung là mái nhà Petrovietnam. Người Dầu khí dù ở lĩnh vực nào, địa bàn nào cũng cần có những hệ giá trị chung hướng đến, cùng nhau vun đắp, gìn giữ. Tại thời điểm hiện nay, hệ giá trị Petrovietnam hướng tới là “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”  với phương châm “Bản lĩnh – Đoàn kết – Đổi mới – Hành động”, thực hiện sứ mệnh “Tối ưu hóa nguồn năng lượng dầu khí, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế”. Để làm được điều đó, văn hóa Petrovietnam phải được đặt đúng vị trí và được xác định đúng vai trò, xây dựng và triển khai văn hoá phải là “mục tiêu” cần đạt được, chứ không phải đơn thuần chỉ là “bề nổi”, là thứ phụ kiện trang trí theo thời điểm. Văn hóa Petrovietnam phải  hiện hữu trong từng hoạt động, trong đời sống làm việc của từng cán bộ công nhân viên, người lao động dầu khí. 

Những ngày đầu năm 2020, để thực hiện mục tiêu trên, Tổng giám đốc Tập đoàn đã ban hành kế hoạch triển khai đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam với  một số giải pháp trong thời gian tới cần thực hiện từ Công ty mẹ đến các đơn vị:

Nhận diện, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hệ thống giá trị văn hóa Petrovietnam và các quy định liên quan

Mặc dù hệ giá trị cốt lõi đã được lấy ý kiến sửa đổi bổ sung ban hành trong “Cẩm nang văn hóa Dầu khí” tuy nhiên thực tiễn khách quan cho thấy cần cập nhật, chỉnh sửa cho phù hợp hơn với đặc trưng ngành nghề, mang bản sắc dầu khí. Mọi giá trị không phải là những quy định bất biến do đó việc điều chỉnh những giá trị trên tiêu chí chung, tiêu chí gốc ban đầu phù hợp với hoàn cảnh, với bối cảnh trong từng giai đoạn là cần thiết.

Việc xác định những giá trị chung là sản phẩm của tập thể do đó phải do tập thể cùng xây dựng và thực hiện. Cần nắm bắt tâm tư, tình cảm, lấy ý kiến rộng rãi của các thế hệ CBCNV trong quá trình phục hưng, phát triển.

Các giá trị văn hóa được nhận diện từ giá trị ngoại hiện (hữu hình) thể hiện thông qua hệ thống nhận diện thương hiệu, bố trí sắp xếp môi trường làm việc, thiết chế văn hóa, sản phẩm văn hóa phục vụ đời sống CBCNV …. đến các giá trị được tuyên bố bao gồm: các chiến lược, mục tiêu, triết lý doanh nghiệp và các giá trị ngầm định (vô hình) đều cần phải quan tâm rà soát, hệ thống, quy chuẩn.

Tuyên truyền, vận động, tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, ý thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam

Mỗi đối tượng CBCNV có những bước tiếp cận khác nhau, mức độ tiếp cận khác nhau với các giá trị văn hóa do đó cần xác định, xây dựng những hình thức tuyên truyền, giáo dục nhận thức về văn hóa phù hợp cho các đối tượng

Thường xuyên tuyên truyền nhắc lại, tuyên truyền đi đôi với kiểm tra giám sát, tuyên dương, nhắc nhở, phê bình. Phải gắn truyền thông nội bộ với xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nâng cao tính chủ động của các tổ chức Đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Ban nữ công trong công tác tuyên truyền. 

Tổ chức tập huấn, đào tạo các khóa học bổ trợ cho CBCNV nâng cao nhận thức, ý thực trong thực hiện các quy định, quy ước văn hóa. Việc tham gia các khóa đào tạo là bắt buộc, có quy định, chế tài cụ thể.

Xây dựng môi trường làm việc ổn định, trong sạch lành mạnh, đoàn kết, gắn bó; nâng cao vai trò nêu gương của lãnh đạo

Sắp xếp, tổ chức mô hình làm việc khoa học, hiệu quả, thống nhất. Xây dựng bộ máy nhân sự có tính ổn định tạo tâm lí thoải mái, gắn kết trong CBCNV. Ban lãnh đạo phân cấp, phân quyền rõ ràng nhưng có sự đồng nhất trong chủ trương cũng như đồng thuận ý kiến trong xây dựng văn hóa Petrovietnam tạo sự nhất quán trong chỉ đạo, thực hiện.

Xây dựng môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, cạnh tranh công bằng là hết sức cần thiết và cũng là xây dựng môi trường thuận lợi cho việc thực hiện văn hóa Petrovietnam. Chỉ trong một môi trường đáng tin cậy, con người mới có thể dễ dàng phát huy ưu điểm, lợi thế, thể hiện bản thân và khi được ghi nhận thì họ sẵn sàng cống hiến và bảo vệ những giá trị chung. 

Tăng cường, tiếp xúc giữa lãnh đạo với CBCNV để họ cảm nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, lan tỏa cảm xúc với CBCNV để họ cảm nhận  được tinh thần, mong muốn và sự tin tưởng của lãnh đạo trong thực hiện giá trị chung. 

Nâng cao chất lượng của đội ngũ tham mưu giúp việc; bố trí nguồn lực thực hiện Văn hóa Petrovietnam

Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ đảm nhận việc xây dựng, triển khai, theo dõi thực hiện văn hóa doanh nghiệp phải là những người có uy tín, có kiến thức để có thể thuyết phục, hướng dẫn, nhắc nhở CBCNV, tham mưu cho lãnh đạo trúng và sát. 

Cần bố trí nguồn chi phí hợp lý, đảm bảo cho quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động theo kế hoạch từng năm.

Tái tạo văn hóa Petrovietnam sẽ là một quá trình chắt lọc lâu dài, bền bỉ, không ít thử thách. Cần xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể theo từng giai đoạn và nghiêm túc tuân thủ, không thể nóng vội, đốt cháy giai đoạn, phải có cái đầu lạnh, trái tim nóng, bản lĩnh, kiên định trong quá trình thực hiện. Văn hóa Petrovietnam  phải trở thành mạch nước ngầm không ô nhiễm, không tạp chất từ từ ngấm sâu vào từng suy nghĩ trở thành hành động, từ hành động hình thành những thói quen tốt làm nên cốt cách, bản sắc người Dầu khí. 


BAN TRUYỀN THÔNG VÀ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP