Phát triển đội ngũ trí thức: Giải pháp then chốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của PVN, xây dựng đội ngũ trí thức và khoa học công nghệ (KHCN) luôn là một giải pháp then chốt được quan tâm thực hiện trên mọi lĩnh vực: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác; công nghiệp khí, công nghiệp điện, hóa - chế biến dầu khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

 

Tiến sĩ Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (bên trái) nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN

 

Từ Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ I (2010) đến Đại hội lần thứ II (2015) đều xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ trí thức và KHCN, là các giải pháp đột phá để thực hiện Chiến lược phát triển Tập đoàn và ngành Dầu khí Việt Nam. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Đảng ủy Tập đoàn đã chủ động, khẩn trương xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trực thuộc tổ chức học tập, quán triệt.


Ban đầu chỉ với số lượng khiêm tốn cán bộ kỹ sư được đào tạo từ Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa, đến nay PVN đã có được đội ngũ trí thức hùng hậu, được đào tạo bài bản từ các trường đại học trong nước và đặc biệt là từ các trường đại học, các viện nghiên cứu hàng đầu của các nước tiên tiến trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Na Uy, Hà Lan... Số cán bộ KHCN của toàn Tập đoàn ngày càng gia tăng, toàn Tập đoàn có hơn 3.000 người có trình độ sau đại học, trong số đó có những cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, đạt trình độ chuyên gia, có đủ khả năng thực hiện và tổ chức thực hiện những công việc, nhiệm vụ có hàm lượng khoa học cao. Đội ngũ cán bộ KHCN của Tập đoàn đã cơ bản làm chủ được tất cả các lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật, các khâu trong chuỗi công nghiệp dầu khí từ tìm kiếm thăm dò, khai thác đến chế biến dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ kỹ thuật dầu khí.


Hiện nay, Tập đoàn có 2 viện nghiên cứu gồm: Viện Dầu khí Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn và Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế dầu khí biển (Viện NIPI) trực thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

 

Cán bộ nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) vận hành thiết bị siêu âm mảng điều pha (phased array). Ảnh: VPI

 

Với gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Dầu khí Việt Nam đã được Tập đoàn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ ở Hà Nội và Khu công nghệ cao (quận 9, TP HCM), tổng mức đầu tư khoảng gần 3.500 tỉ đồng với cơ sở vật chất và trang thiết bị phân tích, thí nghiệm đồng bộ, hiện đại và lực lượng cán bộ khoa học khoảng 600 cán bộ nghiên cứu được đào tạo, chọn lựa từ những trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, được trưởng thành, đúc rút kinh nghiệm trong môi trường thực tế, gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Viện Dầu khí Việt Nam đảm nhận được hầu hết các yêu cầu về phân tích mẫu dầu, khí, nước, hằng năm thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và kỹ thuật cho Tập đoàn (thông qua các hợp đồng KHCN) với giá trị 150-200 tỉ đồng và cung cấp dịch vụ KHCN cho các đơn vị thành viên, các nhà thầu dầu khí với giá trị khoảng 400-500 tỉ đồng.


Ngoài ra, trước nhu cầu đòi hỏi của thực tế sản xuất, nhiều đơn vị trong Tập đoàn đã thành lập trung tâm nghiên cứu để phục vụ cho chính nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài các tổ chức nêu trên còn có các tổ chức như: Hội Dầu khí Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Dầu khí gồm đội ngũ trí thức trẻ, có nhiệt huyết và năng lực, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong công tác. Đội ngũ trí thức của Tập đoàn không chỉ được tổ chức trong các tổ chức đoàn thể chuyên về nghiên cứu KHCN tập trung nêu trên, mà còn là lực lượng trực tiếp tham gia quản lý và hoạt động kỹ thuật vận hành sản xuất...


Đặc biệt, lực lượng cán bộ KHCN dầu khí đã thực hiện những công trình khoa học có giá trị cao không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tế lớn lao, làm lợi hàng nghìn tỉ đồng cho đất nước, góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước, giúp Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững Tập đoàn.


Ngày nay để đáp ứng yêu cầu trong thời kỷ nguyên số về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, qua thực tiễn phát triển của ngành Dầu khí cho thấy, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù để tạo động lực phát triển KHCN trong doanh nghiệp Nhà nước nhằm tận dụng tối đa tiềm năng và ưu thế của doanh nghiệp. Trong đó cần có cơ chế khuyến khích, ưu tiên các cán bộ KHCN trẻ để phát huy tối đa tiềm năng và tính tự chủ trong hoạt động KHCN của lực lượng trí thức trong doanh nghiệp. Xem xét bổ sung các cơ chế khuyến khích cán bộ KHCN sáng tạo, phát triển KHCN, đưa các khoản phụ cấp, trợ cấp, thù lao không thường xuyên trong hoạt động phát triển KHCN của người lao động như thù lao sáng kiến, phụ cấp nghiên cứu khoa học... thuộc diện thu nhập không chịu thuế.

 

Cán bộ nghiên cứu của VPI khảo sát lấy mẫu môi trường ở khu vực nước sâu

 

Nhà nước cũng cần xem xét lại mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính của đơn vị, tập thể,cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước nhằm thúc đẩy, động viên khuyến khích các đơn vị, cá nhân bám sát thực tiễn, sáng tạo, chủ động nghiên cứu đề xuất, tạo động lực cho phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho các đơn vị trong Tập đoàn; giảm thủ tục hành chính, giảm hao phí công sức, thời gian và chi phí của các tập thể, cá nhân người hoạt động KHCN vào thủ tục hồ sơ rườm rà không cần thiết từ khâu đặt hàng đến thanh quyết toán nhiệm vụ KHCN.


Chính phủ tạo hành lang pháp lý cho phép Tập đoàn chủ động trong việc giao nhiệm vụ cho các đơn vị, bộ phận nghiên cứu trực thuộc theo hình thức phù hợp nhất nhưng vẫn tuân thủ luật chuyên ngành về KHCN. Doanh nghiệp KHCN cũng như tổ chức KHCN trong doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước có các quy định và điều kiện ưu đãi khác biệt so với các loại hình doanh nghiệp khác trong Luật Doanh nghiệp như: trong đầu tư cơ sở vật chất KHCN từ nguồn quỹ phát triển KHCN của Công ty Mẹ cũng như của các đơn vị thành viên Tập đoàn, trong các quy định về lợi nhuận, thuế, phí, hao mòn/khấu hao, tiền công và thu nhập, bảo hiểm… để giảm gánh nặng cho tổ chức KHCN có mức đầu tư lớn, giảm chi phí thực hiện các nhiệm vụ KHCN và dịch vụ kỹ thuật đặc thù, thu hút, đào tạo và giữ được nhân công chất lượng cao…


Đến nay, PVN đã có đội ngũ trí thức hùng hậu, được đào tạo bài bản từ các trường đại học trong nước và đặc biệt là từ các trường đại học, các viện nghiên cứu hàng đầu của các nước tiên tiến trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Na Uy, Hà Lan...

 

Theo PetroVietnam