Một tin vui lớn đến với người lao động Dầu khí, ngày 9/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Từ đây, Tập đoàn có sứ mệnh to lớn hơn, tập trung đổi mới công nghệ, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Đây là một bước đi mang tính chiến lược, thể hiện rõ định hướng phát triển dài hạn của đất nước trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu.
Tên gọi mới của Tập đoàn thể hiện tầm nhìn rộng mở, không còn gói gọn trong lĩnh vực dầu khí, mà mở rộng ra các lĩnh vực công nghiệp - năng lượng, khẳng định vai trò chủ lực trong việc dẫn dắt ngành công nghiệp - năng lượng quốc gia. Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước phù hợp với xu thế thế giới đang hướng tới năng lượng sạch, phát triển bền vững. Việc tái định danh giúp Petrovietnam chủ động hơn trong tham gia các liên minh, tổ chức quốc tế về năng lượng xanh.
Nếu nhìn dài hạn, đây không chỉ là một cú “rebrand” (làm mới thương hiệu), mà là một bước chuyển mình về bản chất.
Trong định hướng chiến lược, Petrovietnam xác định, tập trung xây dựng Tập đoàn có tiềm lực mạnh, quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao; tiên phong trong chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng xanh bền vững. Petrovietnam xác định tập trung phát triển trên 3 trụ cột chiến lược: Năng lượng - Công nghiệp - Dịch vụ, trong đó Năng lượng là trụ cột cốt lõi và giữ mối quan hệ tương hỗ giữa 3 trụ cột.

Khi xác định Năng lượng là trụ cột cốt lõi, việc ưu tiên phát triển lĩnh vực này là bước đi tất yếu, không chỉ để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, mà còn để tạo “nền móng” cho hai trụ cột còn lại là Công nghiệp và Dịch vụ cùng phát triển bền vững.
Tại sao phải ưu tiên Năng lượng trước? Là vì, năng lượng là điều kiện tiên quyết cho phát triển công nghiệp (điện cho sản xuất, nhiệt cho chế biến...). Rồi dịch vụ kỹ thuật dầu khí - công nghiệp - hàng hải - logistics năng lượng, cũng đều xoay quanh cái lõi là năng lượng. Và điều quan trọng hơn cả, năng lượng là vấn đề chiến lược quốc gia, liên quan trực tiếp đến độc lập, tự chủ và an ninh kinh tế.
Ưu tiên trụ cột Năng lượng cần được hiểu là, tái cơ cấu lĩnh vực Năng lượng theo hướng đa dạng và bền vững. Không chỉ tập trung vào dầu khí truyền thống mà phải tập trung phát triển điện khí LNG (điện khí hóa, kết hợp với các dự án kho cảng LNG). Đồng thời, đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo: điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối. Thí điểm và mở rộng nghiên cứu hydrogen xanh, amoniac xanh, lưu trữ năng lượng.
Được mang tên Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam là niềm phấn khởi, tự hào to lớn, đồng thời cũng là trọng trách thiêng liêng, thôi thúc Petrovietnam không ngừng đổi mới, sáng tạo và kiên trì trên hành trình phụng sự Tổ quốc bằng nguồn năng lượng của khát vọng và trí tuệ Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Theo PVN
Đọc thêm:
- Đổi mới từ cốt lõi để Petrovietnam – Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia trở nên “phi thường”
- Chào mừng kỷ niệm 63 năm ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 - 27/11/2024): Petrovietnam: “Một đội ngũ – Một mục tiêu”, cho ngọn lửa năng lượng quốc gia luôn rực sáng
- Petrovietnam về đích chỉ tiêu doanh thu và nộp ngân sách cả năm 2024
- Petrovietnam khơi thông động lực, đạt kết quả SXKD tích cực
- Petrovietnam ủng hộ đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi)
- Tuần lễ Văn hóa Dầu khí lần thứ XV: Lan tỏa và phát triển Văn hóa Petrovietnam đến với cộng đồng và xã hội
- Petrovietnam tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần của Kết luận số 76-KL/TW
- Tháng 7/2024: Đối mặt nhiều khó khăn, Petrovietnam duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận
- Petrovietnam hoàn thành vượt mức kế hoạch SXKD 6 tháng đầu năm
- Tháng 5: Petrovietnam tiếp tục duy trì tăng trưởng khi giá dầu đảo chiều giảm mạnh