Ngành Dầu khí Việt Nam: Tập trung nguồn lực để phát triển bền vững

Ngành Dầu khí Việt Nam đang trải qua giai đoạn sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn do giá dầu giảm sâu và kéo dài. Trước tình hình đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp thành viên đã thực thi nhiều giải pháp, nhằm từng bước khẳng định vai trò một tập đoàn kinh tế mạnh, đóng góp ngân sách xây dựng đất nước và bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời tham gia giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.

Bài 1: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực


Với chức năng là đơn vị dịch vụ kỹ thuật hàng đầu của ngành Dầu khí, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển, trong đó có việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn.


Theo Phó tổng giám đốc PTSC Nguyễn Hữu Hải, trước đây PTSC có thế mạnh ngoài biển, hiện nay tổng công ty tham gia thêm các lĩnh vực trên bờ, trong và ngoài ngành. Để thực hiện điều đó, ngoài những ngành chính như tàu, cảng… PTSC còn mở rộng thêm mảng dịch vụ trong ngành nói chung và công nghiệp ngoài ngành để tháo gỡ khó khăn do chính sách đầu tư suy giảm. Đặc biệt, PTSC dành sự quan tâm đến chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh với lao động trong khu vực và quốc tế, xây dựng và duy trì đội ngũ cán bộ, kỹ sư thiết kế công trình dầu khí, tàu chuyên dụng ngành Dầu khí có trình độ cao.

 

Thi công giàn khoan tại cảng PTSC. (Ảnh: Hiền Anh)

 

Ông Hải khẳng định: “Không phải khi khó khăn PTSC mới có chính sách thay thế chuyên gia nước ngoài, mà trong chiến lược phát triển từ trước năm 2000, PTSC đã có định hướng. Trước kia, trong đội tàu của PTSC, các chức danh thuyền trưởng, máy trưởng hoặc các chức danh dự án… đều phải thuê nước ngoài. Lúc đó, chúng tôi cũng nghĩ ngay đến việc thay thế người Việt Nam cho các chức danh nước ngoài. Vì thế, chúng tôi đã cử cán bộ đi học tập, đào tạo “training on job”, làm thực tế tại các dự án. Và thực tế là chúng tôi đào tạo ngay tại các dự án và tại các phương tiện đó. Ông Nguyễn Hùng Dũng là một trong những tấm gương tiêu biểu. Ban đầu, ông Dũng giữ chức danh thuyền phó, sau đó học tập và thay thế dần vị trí của người nước ngoài và là một trong những thuyền trưởng đầu tiên của PTSC thay thế người nước ngoài”.


“PTSC hay dùng cụm từ “chuyên viên không biên giới” - tức là những người nắm chức danh trưởng các vị trí tại các dự án nước ngoài như ở Ấn Độ, Brunei...” - ông Nguyễn Hữu Hải cho biết. Đây là một trong những bằng chứng cắt giảm chi phí, nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh với các nước khác trong khu vực, kể cả Trung Quốc. Trước kia để chi trả cho 1 vị trí trưởng là người nước ngoài, PTSC phải mất đến hàng chục nghìn USD, nhưng đối với chức danh người Việt Nam, chi phí chỉ khoảng một nửa. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi, sự hài lòng và gắn bó đối với các vị trí đó, cần phải chi trả tương xứng để giữ chân người lao động. Hiện nay, các chức danh cấp trưởng trên các phương tiện đối với các dự án trong và ngoài nước của PTSC phần lớn là do các kỹ sư người Việt Nam nắm giữ.


Ở PTSC, việc làm chủ khoa học - công nghệ, cải tiến khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng công việc được quan tâm chú trọng. Một trong những đơn vị tiêu biểu là Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC M&C). Theo Phó giám đốc PTSC M&C Bùi Hoàng Điệp, lĩnh vực thiết kế được công ty đặc biệt quan tâm. PTSC M&C đã xây dựng nguồn nhân lực làm công tác thiết kế là những kỹ sư người Việt Nam trẻ tuổi, năng động, có kiến thức chuyên môn sâu, tiến tới hoàn toàn thay thế các chuyên gia nước ngoài.


Ngay từ khi bắt đầu thành lập công ty, công tác thi công phụ thuộc rất nhiều vào công việc khác như mua sắm, thiết kế. Từ năm 2007, lãnh đạo công ty đã thành lập phòng thiết kế và giao nhiệm vụ cho ông Bùi Hoàng Điệp phụ trách công tác thiết kế. Lúc đó, mọi thứ từ nguồn lực, kinh nghiệm, cơ sở vật chất… đều không có, phải xây dựng từ con số 0. Trải qua nhiều dự án, ông Điệp thấy công tác thiết kế vô cùng quan trọng đối với tổng thầu EPC. Trong quá trình thi công các dự án dầu khí trước đây do công ty thực hiện, công tác thiết kế chi tiết phần lớn do các nhà thầu, chuyên gia nước ngoài thực hiện, do vậy chi phí thuê dịch vụ này rất cao. Đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu thiết kế giàn đầu giếng và hệ thống quản lý thiết kế điện tử tại Việt Nam” do kỹ sư Bùi Hoàng Điệp và các cộng sự thực hiện được coi là cơ sở ban đầu cho kỹ sư Việt Nam tự thực hiện công tác thiết kế cho các giàn đầu giếng. Nhờ đó, PTSC M&C được PVN và các chủ đầu tư tin tưởng giao nhiệm vụ tự triển khai thiết kế chi tiết cho các dự án Hải Sư Trắng - Hải Sư Đen (TLJOC), Thăng Long - Đông Đô (LSJOC), Sư Tử Nâu (CLJOC), Sư Tử Vàng 6X (CLJOC), MLS (Total Brunei)... Trong các dự án này, hàm lượng thiết kế của PTSC đạt trên 50% khối lượng công việc, đặc biệt như Dự án Sư Tử Vàng 6X đạt 100%.


Lợi ích của công tác thiết kế mang lại cho tổng thầu không thể đo đếm hết được. Ví dụ như trong quá trình làm việc, “nếu chúng ta có hiểu biết tốt về khoa học - kỹ thuật thì có thể thay đổi các phương án kỹ thuật hợp lý hơn, giá thành thấp hơn, giá trị chi trả cho vật tư thiết bị đó rẻ hơn rất nhiều” - ông Bùi Hoàng Điệp chia sẻ.


Có thể kể đến Dự án MLS (Maharaja Lela South) thuộc Total - dự án ngoài khơi Brunei. Đây là dự án thắng thầu quốc tế thứ 2 mà PTSC thực hiện. Đây là dự án mới, điều kiện thi công tương đối khó khăn do phải thi công tại 2 công trường khác nhau: Topside được thi công tại công trường công ty - cảng hạ lưu PTSC (Vũng Tàu), Jacket được thi công tại công trường Brunei. Những kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề người Việt Nam được giao nhiệm vụ trực tiếp sang Brunei để thi công Jacket MLS bảo đảm an toàn chất lượng, hiệu quả vượt tiến độ. Dự án triển khai vào tháng 1-2014, mang lại doanh thu gần 100 triệu USD và tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động. Dự án đã hoàn thành công tác đấu nối, chạy thử ngoài khơi và bàn giao cho chủ đầu tư Total vào tháng 9-2015.


Hiện tại, cán bộ, kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được công tác thiết kế cho những giàn đầu giếng và những cụm mô - đun, được chủ đầu tư nước ngoài đánh giá cao… Có thể nhận thấy rằng, từ việc không có năng lực thiết kế phải đi thuê nước ngoài, đến nay, PTSC đã chủ động trong công tác thiết kế chi tiết cho các giàn đầu giếng, tự thiết kế được các cụm thiết bị công nghệ. Với hơn 50 dự án được thực hiện cho các đối tác trong và ngoài nước, PTSC đang từng bước cải tiến các chính sách nhằm thu hút lao động có trình độ để mở nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế.


Phó tổng giám đốc PTSC Nguyễn Hữu Hải: “PTSC hay dùng cụm từ “chuyên viên không biên giới” - tức là những người nắm chức danh trưởng các vị trí tại các dự án nước ngoài như ở Ấn Độ, Brunei...”.

 

(Xem tiếp kỳ sau)

 

Theo PetroVietnam