Trong lĩnh vực năng lượng, nước ta có ba tập đoàn chủ lực đó là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Còn trong ngành dầu khí, PVN là tập đoàn nòng cốt.
LTS: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN ) - đơn vị chủ lực của ngành dầu khí - là một trong những tập đoàn kinh tế quan trọng. Xuyên suốt lịch sử xây dựng và phát triển hơn 55 năm qua, những gì mà ngành dầu khí làm được và đóng góp cho công cuộc phát triển chung của đất nước là rất đáng tự hào. Trong biến động chung của tình hình thế giới, từ năm 2015 tới nay, PVN trải qua những khó khăn chưa từng có. Những thách thức mà ngành dầu khí Việt Nam phải đối mặt lớn đến mức có ý kiến cho rằng PVN sẽ không thể trụ vững.
Vậy tương lai nào cho PVN và làm thế nào để PVN phát triển bền vững?
Đại biểu Nhân dân xin giới thiệu loạt bài “Hướng đi nào cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam?”, nhằm góp thêm cách nhìn đa chiều về lĩnh vực từng chiếm tỉ trọng lớn cho tăng trưởng GDP của đất nước.
Non trẻ
Trong ba tập đoàn này, PVN là “non trẻ” nhất. Tập đoàn có lịch sử phát triển từ năm 1961 nhưng đó cũng chỉ là ngày truyền thống. Kể từ khi Tập đoàn tự mình khai thác được dòng dầu, dòng khí đầu tiên dưới lòng đất, lòng biển lên thì cũng mới chỉ được hơn 30 năm hình thành và phát triển. Tất nhiên, trước đó PVN cũng đã khai thác ở mỏ khí Tiền Hải - Thái Bình nhưng với trữ lượng cực kỳ nhỏ và việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác hoàn toàn phải dựa vào chuyên gia Liên Xô.
Từ năm 1986 khi tìm ra dầu ở vùng thềm lục địa phía Nam và bước đột phá là vào năm 1988 khi tìm thấy dầu ở tầng đá móng, PVN mới có bước phát triển mạnh mẽ và có thể nói là thần kỳ.
Cho đến bây giờ có thể khẳng định rằng việc các nhà khoa học của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) tìm ra dầu ở tầng đá móng đã cứu đất nước khỏi sự sụp đổ về kinh tế vào năm 1988, khi mà ngân sách quốc gia chỉ còn 25 triệu USD. Việc tìm ra dầu ở tầng đá móng cũng làm đảo lộn toàn bộ những lý thuyết về cấu tạo địa vật lý dầu khí có từ trước. Nhờ phát hiện này mà liên doanh Vietsovpetro(VSP) đã phát triển rực rỡ và sản lượng dầu khai thác được tại tầng đá móng ở mỏ Bạch Hổ và các mỏ xung quanh có lúc đã lên tới trên 20 triệu tấn/năm.
Tính từ năm 1988 cho đến hết năm 2017, PVN đã khai thác được khoảng 386 triệu tấn dầu thô; 133 tỷ mét khối khí; sản xuất được 137 tỷ kWh điện; 12 triệu tấn phân đạm; đóng góp rất lớn vào Ngân sách quốc gia…
Và một điều không thể tính được bằng tiền là PVN đã có đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn chủ quyền biển đảo của quốc gia. Mỗi người thợ dầu khí làm việc trên những giàn khoan, trên những con tàu chở dầu, tàu dịch vụ… cũng thực sự là những chiến binh giữ biển.
Phát triển vượt bậc
Từ năm 2006 khi Tổng công ty Dầu khí Việt Nam được nâng lên thành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tập đoàn đã có bước phát triển mới cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. PVN đã làm chủ được chuỗi công nghệ khép kín từ tìm kiếm - thăm dò - khai thác đến tàng trữ - vận chuyển và chế biến. Toàn bộ hệ thống sản xuất kinh doanh của Tập đoàn dựa trên năm lĩnh vực cốt lõi: Tìm kiếm - thăm dò - khai thác; Công nghiệp Khí; Công nghiệp Điện; Công nghiệp Chế biến; và Dịch vụ Dầu khí Kỹ thuật cao.
Trong năm lĩnh vực này thì tìm kiếm - thăm dò - khai thác hay còn gọi là khâu thượng nguồn là quan trọng nhất. Bởi lẽ, kết quả tìm kiếm, thăm dò, khai thác sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các khâu sau. Nói một cách giản dị thì khâu thượng nguồn giống như người cày bừa, gieo hạt, cấy lúa và thu hoạch còn tất cả các khâu sau đều dựa trên kết quả của hạt thóc mà từ khâu thượng nguồn đem lại.
Giàn xử lý khí ở cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, công trình tiêu biểu cho trí tuệ người dầu khí
Trong lĩnh vực này, PVN đã có những bước tiến thần kỳ. Từ vị trí là người học việc, người làm thuê cho các liên doanh nước ngoài, tới nay, PVN đã làm chủ được những giàn khoan, giàn công nghệ trung tâm hiện đại, làm chủ công nghệ khoan để tìm kiếm, thăm dò ở những nơi có cấu tạo địa chất phức tạp bậc nhất thế giới.
Một minh chứng hùng hồn cho trí tuệ của người dầu khí là cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, hay còn gọi là Dự án Biển Đông 01.
Tại cụm mỏ này, BP - một tập đoàn danh tiếng của châu Âu sau 9 năm thăm dò, nghiên cứu, đổ vào đây ngót 500 triệu USD, cuối cùng đã phải “bỏ của chạy lấy người” bởi lẽ cấu tạo địa chất của mỏ khí ở đây phức tạp chưa từng có. Áp suất mỏ tới 170 at-mốt-phe, nhiệt độ dòng khí tới hơn 100 độ C… Mặc dù thấy đây có trữ lượng khí và Condensate không nhỏ, nhưng họ không dám mạo hiểm. BP ra đi và “tặng” lại cho PVN gần 4 tấn hồ sơ, kèm theo lời khuyên chân tình là “chớ có đụng vào”. Nhưng PVN đã tự thiết kế mỏ, thiết kế giàn khoan, tự đóng giàn xử lý khí… và đến nay, Dự án Biển Đông 01 đang là “con gà đẻ trứng vàng”. Thành công của dự án này được dân dầu khí trên thế giới đánh giá rất cao. Những ai đã có 1 năm làm việc ở dự án này đều có thể được các công ty dầu khí nước ngoài mời chào với mức lương cao ngất ngưởng. Tấm giấy xác nhận “ đã làm ở Biển Đông 01” có giá trị hơn nhiều tấm bằng đại học.
Một ví dụ nữa là ở giàn Đại Hùng 01. Phía nước ngoài, sau vài năm khai thác, thấy không hiệu quả, liền bán cho PVN với giá… 1USD. Sở dĩ họ phải bán với cái giá tượng trưng như vậy là vì nếu bỏ khai thác, họ phải làm sạch đáy biển; chuyển giàn khai thác nặng hàng chục nghìn tấn về bờ… tốn kém thêm cả trăm triệu USD mà cũng chỉ là đem bán… sắt vụn. PVN mua mỏ, mua giàn về, nghiên cứu thêm và quyết định cho khoan thăm dò mở rộng. Kết quả là từ 5 năm nay, Đại Hùng 01 đóng góp không nhỏ cho sản lượng chung của ngành dầu khí Việt Nam.
PVN cũng đã thắng lợi rực rỡ khi quyết định đầu tư, mua mỏ Bir Sebar ở Algeria. Tại quốc gia Hồi giáo này, lần đầu tiên PVN tham gia đấu thầu quốc tế và thắng thầu. Việc PVN trở thành nhà điều hành cũng vào loại “độc nhất vô nhị” trên thế giới, bởi ngành dầu khí còn quá non trẻ, kinh nghiệm khai thác ở vùng sa mạc chỉ là con số 0… Trải qua hơn chục năm lao động cực kỳ gian khổ ở sa mạc Sahara, đến nay, Bir Sebar cũng là mỏ mang lại lợi nhuận cao cho PVN. Nếu không bị khống chế sản lượng do Algeria nằm trong khối OPEC, thì PVN có thể nâng sản lượng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 hiện nay.
Việc PVN khai thác được những mỏ dầu khí có cấu tạo phức tạp, chế tạo được những giàn khoan hiện đại là hoàn toàn do trí tuệ, bản lĩnh, ý chí và khát vọng làm chủ của người dầu khí. “Chủ nghĩa kinh nghiệm” không có chỗ đứng ở đây, bởi lẽ, đó là những loại công việc mà trước đây PVN chưa từng làm. Nếu không có tinh thần “tìm dầu làm giàu cho Tổ quốc” và dám nghĩ, dám làm… thì chắc chắn, không thể có một PVN như hôm nay.
Ở ngành công nghiệp khí - đơn vị chủ lực là PV Gas cũng là lĩnh vực mà PVN đã thu được nhiều thành công. Kể từ khi đưa dòng khí đầu tiên vào bờ vào tháng 4.1995 đến cuối năm 2017, PV GAS cung cấp cho thị trường khoảng 125 tỷ mét khối khí, trên 13 triệu tấn LPG và gần 2 triệu tấn Condensate; đóng góp doanh thu cho ngành Dầu khí 620.000 tỷ đồng, thu được 97.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nộp ngân sách nhà nước trên 60.000 tỷ đồng. Hiện nay cổ phiếu của PV Gas thuộc vào hàng “hiếm” và luôn được các nhà đầu tư săn lùng.
Ngành Công nghiệp Điện của dầu khí là “ít tuổi” nhất, mới chỉ có hơn chục năm nhưng đã vươn lên trở thành nhà cung cấp chỉ đứng sau EVN với sản lượng điện hàng năm chiếm 15% và tới đây có thể còn cao hơn nữa. Ở lĩnh vực này, PVN đã xây dựng được một loạt các nhà máy điện khí - dựa trên thế mạnh là nguồn khí dồi dào. Không chỉ có các nhà máy điện khí, PVN còn xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than và cả thủy điện ở những nơi đặc biệt khó khăn. Sự thành công của PVN trong ngành công nghiệp điện đã minh chứng rõ nét cho những bước đi táo bạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của người dầu khí.
Ở lĩnh vực chế biến dầu khí, PVN cũng đã xây dựng những nhà máy lọc dầu vào loại hiện đại nhất Đông Nam Á như Dung Quất. Cho đến nay, sau 10 năm hoạt động, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nộp ngân sách nhà nước gần 7 tỷ USD, gấp đôi số tiền Nhà nước bỏ ra để xây dựng nhà máy, đồng thời kéo theo sự phát triển về kinh tế của một số tỉnh Nam Trung Bộ và đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi, một mảnh đất cách mạng kiên cường, chịu nhiều mất mát đau thương trong kháng chiến chống Mỹ. Và không chỉ sản xuất ra dầu, xăng phục vụ cho nhu cầu vận tải, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã nghiên cứu và sản xuất thành công một số loại nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng.
Cũng trong công nghiệp chế biến, PVN có những nhà máy sản xuất phân U rê hiện đại, bảo đảm cung cấp tới hơn 60% nhu cầu phân bón của cả nước và còn vươn ra xuất khẩu.
Ở lĩnh vực dịch vụ dầu khí kỹ thuật cao, PVN cũng đã chế tạo được nhưng giàn khoan hiện đại, đảm nhiệm được công tác bảo trì, bảo dưỡng cho các giàn khoan, các công trình dầu khí khác.
Nguyễn Như Phong
(Báo Đại biểu Nhân dân)
Đọc thêm:
- Hội thao ngành Dầu khí khu vực phía Nam 2018 thành công tốt đẹp
- Hướng đi nào cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam? Bài 3: Tính đặc thù của ngành dầu khí
- Hướng đi nào cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam? Bài 2: Người dầu khí lao động như thế nào?
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thành vượt mức từ 2 – 18% các chỉ tiêu sản xuất 4 tháng 2018
- NSRP xuất bán lô sản phẩm thứ hai: xăng RON 95
- Đại hội Công đoàn Dầu khí Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018-2023: Ngày hội của người lao động ngành Dầu khí
- Khánh thành Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau
- NMNĐ Sông Hậu 1: Lắp đặt máy phát tổ máy số 1
- Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Một nhiệm kỳ thành công về đối ngoại
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ Trưởng Diễn đàn Năng lượng Quốc tế IEF lần thứ 16 tại Ấn Độ.