Chỉ sau 3 năm từ mốc sản lượng 1 tỷ m3 khí (tháng 4/2014), đến nay, Giàn nén khí mỏ Rồng - Đồi Mồi đã đạt mốc sản lượng 2 tỷ m3 khí khai thác đưa về bờ.
Sự kiện này ghi một dấu mốc quan trọng, khẳng định chủ trương đầu tư đúng đắn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS); đồng thời cho thấy sự hợp tác hiệu quả giữa hai đơn vị PV GAS và Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro.
Giàn nén khí mỏ Rồng - Đồi Mồi. Ảnh: Petrovietnam
Giàn nén khí mỏ Rồng – Đồi Mồi là dự án có tổng mức đầu tư ban đầu gần 150 triệu USD do PV GAS làm chủ đầu tư với đại diện là Ban quản lý Dự án khí Đông Nam Bộ. Vietsovpetro trong vai trò tổng thầu. Công trình chính thức đưa vào vận hành từ ngày 30/11/2010, gồm hai tổ hợp máy nén khí cao áp với công suất xử lý là 900.000 m3 khí/ngày đêm và tiếp tục được đầu tư mở rộng, nâng công suất thu gom nén lên 1,5 triệu m3/ngày đêm trong năm 2012, nhằm mục đích thu gom toàn bộ lượng khí đồng hành khai thác từ mỏ Rồng và Đồi Mồi lô 09-1 và lô 09-3 để nén phục vụ cho ép vỉa và cung cấp khí về bờ.
Hiện nay, sản lượng khí nén của giàn Rồng – Đồi Mồi đang giữ ở mức cao trên 1,4 triệu m3/ngày (trên 450 triệu m3/năm) và luôn hoạt động ổn định khoảng 90% công suất thiết kế. Liên tục từ năm 2010 đến nay, sản lượng khí từ giàn Rồng – Đồi Mồi đều vượt trên 10% kế hoạch sản lượng, tiến tới đạt gần 72% tổng lượng khí của đời dự án, đóng góp gần 1/3 sản lượng khí từ hệ thống Cửu Long đưa về bờ.
Để có được kết quả này, ngay từ những ngày đầu khi được giao nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý vận hành công trình, Ban Lãnh đạo Công ty Vận chuyển khí Đông Nam bộ (KĐN) đã chỉ đạo các bộ phận phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Dự án khí Đông Nam Bộ, bám sát tiến độ xây lắp của dự án, để tiếp nhận thành công công trình. KĐN cũng tập trung huy động các nhân sự nòng cốt là các cán bộ kỹ thuật có năng lực, kinh nghiệm để thành lập đội ngũ giám sát vận hành biển; triển khai tuyển dụng, đào tạo và kèm cặp thêm các kỹ sư mới, nhằm nắm bắt ngay công việc tiếp nhận đưa dự án vào hoạt động.
Làm việc trên giàn nén khí mỏ Rồng - Đồi Mồi. Ảnh: Petrovietnam
Trước khi tiếp nhận giàn nén khí này, KĐN cũng đã đại diện PV GAS giám sát các công trình giàn nén khí Trung tâm Bạch Hổ, giàn nén khí nhỏ (sở hữu chung của PV GAS và Vietsovpetro) và cụm máy nén Vòm Bắc. Tuy nhiên, khi tiếp nhận dự án này, đội ngũ giám sát, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) vẫn đối mặt hằng ngày với thách thức. Bởi chỉ một thay đổi nhỏ về chế độ khai thác, điều chỉnh công nghệ của giếng hay hệ thống thu gom khí, hệ thống khí ép vỉa… đều ảnh hưởng đến kết quả hoạt động và sản lượng của giàn nén. Vì vậy, Ban Lãnh đạo và từng cán bộ giám sát, kỹ thuật của KĐN phải nắm bắt và cập nhật liên tục thông tin hoạt động của lô 09-1, 09-3 để có hướng xử lý, chỉ đạo phù hợp.
Việc giàn có 2 tổ máy nén cao áp chạy liên tục, không có máy dự phòng cũng là một thách thức, đòi hỏi công tác BDSC phải tính toán sắp xếp tối ưu nhất để giảm thiểu thời gian dừng máy. Mỗi trục trặc hay sự cố của hệ thống thiết bị phải được xử lý gấp, bất kể ngày đêm hay lễ tết, trong điều kiện ngoài khơi xa, thực sự là cuộc chạy đua với thời gian. Mỗi lần thành công, đảm bảo an toàn cho giàn đều có rất nhiều công sức và mồ hôi của đội ngũ nhân sự cả ở ngoài giàn lẫn trong bờ.
Từ những thử thách ấy, sự linh hoạt, sáng tạo càng được phát huy. Từ năm 2010 đến nay đã ghi nhận hàng loạt các sáng kiến từ đội ngũ giám sát, kỹ thuật của KĐN về cải tạo, nâng công suất, hiệu suất hoạt động cho giàn nén khí mỏ Rồng. Chỉ riêng năm 2016 đã có 2 sáng kiến được công nhận và báo cáo ở cấp PVN về nâng cao công suất các máy nén khí cao áp và máy nén booster, giúp gia tăng sản lượng khí nén của giàn Rồng liên tục ổn định ở mức cao qua các năm.
Cột mốc sản lượng 2 tỷ m3 khí này cũng ghi nhận kết quả lao động đáng tự hào của tập thể Ban Lãnh đạo và CBCNV KĐN - đơn vị quản lý vận hành công trình và tập thể CBCNV Xí nghiệp Khai thác các công trình khí (thuộc Vietsovpetro) - nhà thầu vận hành đã và đang thể hiện tinh thần làm việc đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt lên những khó khăn, thách thức để đóng góp vào thành tích chung, vì sự phát triển bền vững của PV GAS, Vietsovpetro, của ngành Dầu khí và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
Theo PetroVietnam
Đọc thêm:
- PV Drilling: Sáng tạo không ngừng trong dịch vụ khoan dầu khí
- Nhà máy Đạm Phú Mỹ tổ chức Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí
- Kết quả nghiên cứu của VPI được công bố trên tạp chí quốc tế
- BSR nhập chuyến dầu đầu tiên trong đợt bảo dưỡng tổng thể
- DMC thông qua kết quả bầu Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ III
- Điểm sáng trên thị trường vận tải biển
- Bảo dưỡng NMLD Dung Quất: Nhiều hạng mục về đích sớm
- Phối hợp bảo đảm an toàn cho các công trình dầu khí biển
- Ổn định nguồn cung, chiếm lĩnh thị trường E5
- Tổng kết Hội thi tay nghề giỏi Vietsovpetro lần thứ VII