Tính đến hết ngày 3/7/2017, đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã đạt hơn 90% tiến độ. Nhiều hạng mục công việc đã hoàn thành rất sớm, đưa vào vận hành, sẵn sàng chuẩn bị để khởi động toàn bộ nhà máy vào giữa tháng 7 này.
Chiều 2/7, tại phân xưởng Điện, các kỹ sư thuộc khu vực phụ trợ nóng đã cho khởi động lò hơi B. Trước đó, máy bơm P4031 cũng đã được khởi động cấp nước cho lò hơi B. Cùng thời điểm, lò đốt của lò hơi B cũng đi vào hoạt động như cho chạy hệ thống phun tán sương dầu diezel, châm đuốc đốt lò.
Kỹ sư BSR kiểm tra đồng hồ hiển thị của lò đốt B. Ảnh: Petrovietnam
Việc lò hơi B hoạt động sẽ cấp hơi nước có nhiệt độ khoảng 505 độ C cho các phân xưởng công nghệ và ngoại vi, trong đó có khu bể chứa dầu thô. Hơi nước nóng sẽ làm lỏng dầu thô bơm từ bể sang phân xưởng Chưng cất dầu thô khi nhà máy hoạt động trở lại.
Nhóm kỹ sư khởi động lò đốt B. Ảnh: Petrovietnam
Hai máy bơm P4032 và P4033 cùng 2 lò hơi A và C sẽ khởi động sau ngày 12/7 - thời điểm dự tính khởi động phân xưởng Chưng cất dầu thô. Kỹ sư Đặng Quốc Tùng cho biết: Lò hơi ở phân xưởng Điện có thể chạy ở 3 chế độ là dầu DO, dầu fuel oil và fuel gas. Tùy thuộc vào thực tiễn vận hành của NMLD Dung Quất, lượng fuel gas sinh ra nhiều sẽ chuyển về phân xưởng Điện để dùng làm nhiên liệu đốt lò với cơ chế độc lập hoặc pha trộn dầu và gas. Đây là một trong những giải pháp tiết kiệm năng lượng của NMLD Dung Quất, giúp Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tiết giảm chi phí vận hành.
Công nhân, kỹ sư đấu nối đường ống vào phao. Ảnh: Petrovietnam
Sáng 3/7, Ban Quản lý cảng biển BSR cùng nhà thầu đã thi công lắp đặt 232m đường ống mềm nổi thứ hai tại Phao rót dầu không bến (SPM). Trước đó, công tác lắp đặt 240m đường ống mềm thứ nhất đã được tiến hành vào ngày 1/7. Việc lắp dựng 2 đường ống mềm tiếp nhận dầu thô từ tàu dầu không nằm trong kế hoạch bảo dưỡng tổng thể. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó trưởng ban Quản lý cảng biển thì trong giai đoạn bảo dưỡng, Ban nhận thấy 2 đường ống này đã được sử dụng 9 năm (theo thiết kế là 10 năm) nhưng do tần suất nhập dầu ở cảng rất lớn, khoảng 8 - 9 chuyến/tháng, cộng thêm thời tiết, thủy văn khá khắc nghiệt, Ban đề xuất Tổng giám đốc và đã được sự đồng ý thay mới toàn bộ 2 đường ống dài tổng cộng gần 500m.
Hiện tại, công việc của gói 7 chỉ còn thi công đường ống sạc clo vào ngày 5/7 là sẽ hoàn thành 100% tiến độ đề ra. Việc hoàn thành 2 đường ống mềm nổi trên biển giúp nhà máy sẵn sàng cho chuyến nhập dầu thô đầu tiên sau bảo dưỡng dự kiến vào ngày 5/7.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, sau bảo dưỡng gói 7, Ban đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, đó là: Theo thiết kế thì nhiều công trình có niên thọ khoảng 10 năm nhưng điều kiện vận hành thực tế khắc nghiệt của thời tiết và tần suất cao nên phải thay mới để bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật. Gói 7 tuy có thời gian là “dư dả” nhất so với 6 gói thầu còn lại nhưng cũng không vì thế mà chủ quan, phải bám sát tiến độ, làm sớm ngày nào hay ngày đó. Tính đến nay, gói 7 cơ bản đã hoàn thành bảo đảm chất lượng, “về đích trước” chuẩn bị cho NMLD Dung Quất vận hành trở lại.
Theo PetroVietnam
Đọc thêm:
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước thăm chính thức Liên bang Nga
- Tổng kết Hội thi tay nghề giỏi Vietsovpetro lần thứ VII
- Đây là thời điểm hợp lý nhất để BSR thực hiện cổ phần hóa
- Ổn định nguồn cung, chiếm lĩnh thị trường E5
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm việc với Ban QLDA Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1
- Tổng giám đốc PVN kiểm tra công tác BDTT lần 3 NMLD Dung Quất
- Hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Nhật Bản
- Đảng bộ PVEP luôn “vững vàng vượt sóng”
- 14 doanh nghiệp tham gia Ngày hội hướng nghiệp “Company Day 2017”
- PVEP kỷ niệm 10 năm ngày thành lập