Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế trong buổi hội thảo về công tác cổ phần hóa và quản trị doanh nghiệp được tổ chức tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chiều ngày 30/6.
Buổi hội thảo quy tụ rất nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Đó là ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thương mại; PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Chuyên gia nghiên cứu kinh tế độc lập; TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính; Luật gia Nguyễn Gia Hảo, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Thủ tướng, Chuyên gia tư vấn độc lập; TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fulbright TP HCM, TS Trần Thị Quế Giang, Chuyên gia kinh tế; ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.
Tổng Giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên. Ảnh: Petrovietnam
Tại buổi hội thảo, Tổng Giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên đã cung cấp những thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, báo cáo tài chính và kế hoạch cổ phần hóa của công ty. Theo ông Trần Ngọc Nguyên, 6 tháng qua những chỉ số như tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt 10,43% và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) đạt 9,17%.
Trong thời gian qua, công suất Nhà máy liên tục tăng nhưng tiêu thụ năng lượng nội bộ ngày càng giảm. Chỉ số EII (tỷ lệ giữa tiêu thụ năng lượng thực tế và năng lượng tiêu chuẩn của NMLD) từ năm 2016 của Nhà máy đã nằm trong nhóm 3 các nhà máy lọc dầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trước đó thuộc nhóm 4.
Các chỉ số tin cậy thiết bị, tin cậy vận hành, hệ số lưu chuyển của dòng công nghệ trong hệ thống như MA, OA, OSF cũng tăng đáng kể so với các năm trước đó. Tính từ 2010 đến nay, BSR đã tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí khoảng 3.499 tỷ đồng.
Theo lộ trình đã được phê duyệt, BSR sẽ thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm nay.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Petrovietnam
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Đình Thiên đặt ra 3 vấn đề là: Triển vọng IPO của BSR như thế nào trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới; IPO như thế nào để có kết quả cao nhất; Sau IPO, BSR phát triển với bức tranh gam màu gì... PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng tất cả những tư vấn các chuyên gia tư vấn trong buổi phải được thể hiện trên các kênh truyền thông báo chí để nhà đầu tư quan tâm, người dân giám sát, Chính phủ đồng hành.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh , có những yếu tố vĩ mô tác động đến BSR như năng lượng tái tạo phát triển, nhu cầu năng lượng truyền thống giảm dần; xe điện tự lái lên ngôi vào khoảng sau năm 2035; xu thế hội nhập và cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Vì vậy Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tư vấn BSR cần chú ý đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, áp dụng internet vạn vật, cảm biến, rô bốt. Từ đó giảm chi phí sản xuất, giảm vốn lưu động, tăng thêm độ an toàn cho bộ máy quản lý.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: Petrovietnam
Nghiên cứu phát triển công nghệ là điều quan trọng, cần đầu tư và liên kết giá trị gia tăng với trình độ khoa học công nghệ của NMLD Dung Quất. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng IPO, một việc rất quan trọng đó là công tác truyền thông, roadshow, BSR phải đẩy mạnh công tác truyền thông để truyền tải thông tin đến với khách hàng đầy đủ, kịp thời, chính xác. BSR cần minh bạch và cung cấp đầy đủ thông tin về bảo vệ môi trường cho nhà đầu tư chiến lược và định hướng doanh nghiệp là hiện đại, là hướng tới tương lai.
Về vấn đề lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, các chuyên gia cho rằng cần lựa chọn những nhà đầu tư mà họ có năng lực cung cấp nguyên liệu dầu thô dài hạn hoặc có năng lực phát triển các sản phẩm hóa dầu. Có lộ trình để đưa đại diện nhà đầu tư chiến lược tham gia hội đồng quản trị.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thương mại. Ảnh: Petrovietnam
Theo quan điểm của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thì kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận là điểm mấu chốt nhà đầu tư quan tâm. Công tác mở rộng sản phẩm đang có và sản phẩm mới cũng phải có lộ trình. Ông cũng cho rằng, khả năng quản trị quyết định tính sống còn của doanh nghiệp sau IPO chứ không phải là tính chất của doanh nghiệp đó là của nhà nước hay tư nhân.
Dưới góc nhìn là chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận BSR cổ phần hóa vào thời điểm này là hợp lý. Bởi vì các lý do, Chính phủ đang có chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có tầm vóc lớn; Việt Nam đang dần bước vào một nền kinh tế thị trường. Và một lý do nữa là BSR có vốn chủ sở hữu ở một tỷ lệ tuyệt vời.
TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính. Ảnh: Petrovietnam
“Cho nên cần phải cổ phần hóa vào thời điểm này”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh. Ông cũng tư vấn BSR cần có chiến lược kinh doanh sau IPO ít nhất từ 3 – 5 năm. Đồng thời có dự báo tài chính 3 năm. Cần phải có đánh giá báo cáo tài chính độc lập.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng BSR phải so sánh mình với các đối thủ khác để có một bài toán cạnh tranh sòng phẳng. Sản phẩm lọc dầu hay hóa dầu phải so với doanh nghiệp cùng ngành mới cạnh tranh được. BSR cũng cần lường trước các vấn đề như: Nếu thay đổi một số chính sách về thuế, đất đai… thì tương lai Lọc dầu Dung Quất sẽ như thế nào, cần có kịch bản để thích nghi.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Chuyên gia nghiên cứu kinh tế độc lập. Ảnh: Petrovietnam
Chuyên gia Võ Trí Thành nhận định BSR cần chú ý vào 4 giá trị quản trị, thương hiệu, công nghệ và chiến lược. Những nước gần Việt Nam họ có quản trị rất tốt như Thái Lan thì phải học ngay. CEO cũng phải là CEO của thị trường chứ không phải là CEO công chức. Và ông cho rằng BSR đang có lợi thế lớn bởi chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: Petrovietnam
Các chuyên gia như luật gia Nguyễn Gia Hảo, Phan Thế Ruệ, Vũ Thành Tự Anh… cũng tư vấn cho BSR ở các khía cạnh: lựa chọn nhà đầu tư hóa dầu, nên lựa chọn sàn TP HCM, đẩy mạnh truyền thông…
Theo PetroVietnam
Đọc thêm:
- Ổn định nguồn cung, chiếm lĩnh thị trường E5
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước thăm chính thức Liên bang Nga
- Tổng kết Hội thi tay nghề giỏi Vietsovpetro lần thứ VII
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm việc với Ban QLDA Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1
- Tổng giám đốc PVN kiểm tra công tác BDTT lần 3 NMLD Dung Quất
- Hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Nhật Bản
- PVEP kỷ niệm 10 năm ngày thành lập
- 14 doanh nghiệp tham gia Ngày hội hướng nghiệp “Company Day 2017”
- Các nhà máy chế biến Dầu khí chủ động chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0
- Đảng bộ PVEP luôn “vững vàng vượt sóng”