Đảm bảo sản xuất thông suốt, chú trọng sức khỏe người lao động

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh phía Nam và trên cả nước, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên, sáng Chủ Nhật ngày 18/7/2021, tại Hà Nội, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp, trực tuyến rà soát công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tình hình SXKD của các đơn vị trong toàn Tập đoàn.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí Phó Tổng giám đốc, Trưởng các Ban/Văn phòng và Tổ công tác phòng, chống Covid-19 của Tập đoàn, cùng lãnh đạo các đơn vị thành viên tham dự tại các điểm cầu trong cả nước.



 

Báo cáo nhanh của các đơn vị cho biết, các đơn vị đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp ứng phó từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, áp dụng "ba tại chỗ" cho các cán bộ, người lao động trực tiếp tham gia sản xuất trên các công trình dầu khí; tổ chức, vận động người lao đông tiêm vắc xin khi có thể theo các nhóm ưu tiên, đảm bảo an toàn, sản xuất không bị gián đoạn. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng, đặc biệt từ sau khi áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phía Nam, hoạt động SXKD của các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, thị trường. Việc áp dụng "ba tại chỗ" thời gian dài có những tác động không nhỏ đến tâm, sinh lý người lao động; quá trình vận chuyển giữa các địa phương; công tác nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài; việc triển khai tiêm vắc xin cho người lao động còn chậm...



 

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị và ý kiến của các thành viên tham dự cuộc họp, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhận định lần bùng phát dịch này rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị. Để kịp thời xây dựng các giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo sản xuất thông suốt và sức khỏe cho người lao động, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng yêu cầu từ lãnh đạo Tập đoàn tới các đơn vị thành viên chủ động phối hợp, nhận diện, đánh giá các thách thức, rủi ro và gửi về Ban Kinh tế Đầu tư Tập đoàn (đầu mối) để tổng hợp, xây dựng các gói giải pháp chung.

Đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động: tăng cường thế mạnh của các đơn vị, chủ động tìm các nguồn vắc xin để tiêm cho người lao động (chia theo các nhóm ưu tiên, tập trung cho những người trực tiếp lao động, sản xuất); xây dựng phương án phối hợp cụ thể khi có trưởng hợp F0 tại các công trình dầu khí.

Đảm bảo sản xuất liên tục, tập trung nguồn lực cho khối E&P và sản xuất, dịch vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để ứng phó các tình huống xấu tại các công trình, dự án, nhà máy, giàn khoan...

Đảm bảo tiêu thụ sản phẩm, thị trường; Tập đoàn làm việc với các Bộ, ngành hỗ trợ đơn vị lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm.

Tập đoàn và các đơn vị cần có sự chia sẻ, phối hợp; vận dụng tối đa chuỗi giá trị, chia sẻ vật tư, thiết bị, tồn kho.


Theo PVN