Ngày 28/10 tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân đã tổ chức buổi tọa đàm "Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển" để làm r & otilde; vai trò ngành Dầu khí trong chiến lược kinh tế biển Việt Nam.
Đến dự buổi Tọa đàm có ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; bà Đinh Thị Phương Lan, Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc; ông Đặng Xuân Phương, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội; TS Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các ĐBQH tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đắk Lắk...
Toàn cảnh Tọa đàm “Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển”
Về phía PVN có Thành viên HĐTV Tập đoàn Phạm Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San, Tổng giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Trần Ngọc Nguyên; Tổng giám đốc Công ty điều hành Dầu khí Phú Quốc (PHUQUOC POC) Lê Ngọc Sơn cùng đại diện các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn.
Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân Đỗ Chí Nghĩa phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh: Ngành Dầu khí là ngành kinh tế đặc biệt, có vai trò rất lớn với nền kinh tế, cũng như với an ninh, quốc phòng, là biểu tượng, niềm tự hào của đất nước. Trong Chiến lược kinh tế biển mà Đảng vừa thông qua tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, vai trò ấy một lần nữa được khẳng định. Muốn thực hiện tốt Nghị quyết, việc hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển, trong đó có lĩnh vực dầu khí có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Với tinh thần đó, buổi Tọa đàm với chủ đề: “Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về Chiến lược biển” nhằm thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương cũng như tìm các giải pháp thúc đẩy ngành dầu khí phát triển xứng tầm trong giai đoạn mới,
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung làm rõ các vấn đề như những đóng góp quan trọng của ngành Dầu khí đối với đất nước sau hơn một nửa thế kỷ phát triển, trong đó có những địa phương mà ngành Dầu khí hoạt động; đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự phát triển của ngành Dầu khí; trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ của ngành Dầu khí Việt Nam trong cộng đồng các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới.
Thành viên HĐTV PVN Phạm Xuân Cảnh phát biểu tại tọa đàm
Thông qua trao đổi, thảo luận góp ý, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế đã đưa ra những đánh giá khách quan vai trò của ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về Chiến lược biển. Đồng thời, xác định những khó khăn và thách thức cho ngành Dầu khí trong giai đoạn mới cũng như cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, đưa ra các giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng đóng góp ý kiến đối với việc đẩy mạnh hoàn thiện khung pháp lý cho ngành Dầu khí, xây dựng chính sách, chiến lược phát triển cho ngành Dầu khí phát triển bền vững.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phát biểu kết luận buổi tọa đàm
Cũng trong buổi Tọa đàm này, đại diện lãnh đạo các đơn vị dầu khí đã chia sẻ thông tin về các dự án trọng điểm của ngành Dầu khí đang nhận được sự quan tâm rất lớn như: Dự án Nâng cấp Mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Chuỗi Dự án Khí Lô B Ô Môn. Trong đó, nhấn mạnh đến tính cấp bách cần được triển khai của các dự án này cũng như tầm quan trọng của các dự án này đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Thành viên HĐTV PVN Phạm Xuân Cảnh đã chia sẻ định chiến lược phát triển trong thời gian tới của Tập đoàn. Trong đó, Tập đoàn tiếp tục phát triển theo 5 lĩnh vực theo đúng tinh thần của Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, trong đó xác định lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Hiện tại, PVN đang nỗ lực tập trung tái cấu trúc toàn diện các mặt hoạt động của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên. Bản thân Tập đoàn nhận thức việc Trung ương ban hành Nghị quyết về Chiến lược kinh tế biển sẽ là cơ hội, động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành Dầu khí trong đó PVN giữ vai trò mũi nhọn của ngành kinh tế biển.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm
Để có thể thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong định hướng phát triển mới, PVN mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện thể chế cho ngành Dầu khí, đồng thời đề nghị sửa đổi Luật Dầu khí, trong đó đặc biệt liên quan đến các vấn đề về cơ chế, nguồn lực cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao vai trò, đóng góp của ngành Dầu khí cho nền kinh tế đất nước từ trước đến nay. Tuy nhiên, hiện nay tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi chúng ta phải có cách nhìn nhận, đánh giá khác về khai thác, thăm dò dầu khí cũng như việc ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên mong muốn qua buổi Tọa đàm này, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế sẽ có những ghi nhận, tham mưu đến Quốc hội, Chính phủ về việc sửa đổi các chính sách đối với các dự án của PVN cũng như sự cần thiết trong việc sửa đổi Luật Dầu khí cho phù hợp với các định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo PetroTimes
Đọc thêm:
- Phụ nữ PVTrans: Yoga - Khoẻ đẹp để nâng bước Thành công
- Giá dầu thô Brent ổn định dưới 80 USD / thùng
- Đêm hội Trăng Rằm 2018
- Ngày hội hiến máu tình nguyện 2018
- Tri ân ngày 27/7
- Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII của Đảng
- Công đoàn PV Trans tổ chức ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6
- Hội nghị đối thoại Người lao động năm 2018
- Hoạt động Ngày 8/3/2018 của Nữ công Công đoàn cơ quan Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí
- Thực hiện công tác an sinh xã hội nhân dịp Tết cổ truyền Mậu Tuất 2018