Khai thác các mỏ dầu trong thân đá móng nứt nẻ: Ngành dầu khí Việt Nam dẫn đầu thế giới

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thăm dò và khai thác thành công các mỏ dầu trong thân đá móng nứt nẻ. Gần 90% sản lượng dầu khai thác của VN là từ các mỏ ở dạng này. Làm thế nào để hoàn thiện giải pháp nâng hệ số thu hồi dầu từ 43% lên 50% - 60%? Đây là nội dung chính của hội thảo khoa học quốc tế chủ đề "Thân dầu trong đá móng nứt nẻ" do Tập đoàn Dầu khí VN tổ chức ngày 9-9 tại TP Vũng Tàu.

Năm 1987, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro phát hiện ra thân dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ – thân dầu đặc biệt, hiếm có trên thế giới với tổng trữ lượng 600 triệu tấn dầu và hàng chục tỷ mét khối khí, chiều dày chứa dầu khoảng 2.000m. Ngày 6-9-1988, VN đã khai thác thành công tấn dầu đầu tiên từ mỏ này.

Sau Bạch Hổ, hàng loạt mỏ trong đá móng nứt nẻ và các hang hốc lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác cũng như chuẩn bị được đưa vào khai thác như mỏ Rạng Đông, Ruby, Sư Tử Đen, Đông Nam Rồng, Sư Tử Vàng, Đồi Mồi, Cá Ngừ Vàng… đưa tổng sản lượng dầu khai thác từ các mỏ dầu trong đá móng nứt nẻ đến nay đạt 1 tỷ 400 triệu thùng dầu, chiếm gần 90% tổng sản lượng dầu khai thác được của VN, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc dân, mang lại kim ngạch xuất khẩu năm 2007 khoảng 14 - 15 tỷ USD.

Theo ông Trần Ngọc Cảnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN (Petrovietnam), ngay từ năm 1950, phát hiện tình cờ tại một số nước như Venezuela, Mỹ, Marocco… cho thấy trong móng đá nứt nẻ có mỏ dầu. Công tác tìm kiếm và khai thác tại các nước đã được đẩy mạnh vào những năm 1960 nhưng không mang lại kết quả mong muốn. Phải chờ đến khi Vietsovpetro phát hiện và khai thác thành công trong đá móng kết tinh mỏ Bạch Hổ chứa dầu, mới có ý nghĩa quyết định đối với công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa VN nói riêng và thế giới nói chung. Khám phá cũng đóng góp đặc biệt quan trọng cho việc phát triển khoa học địa chất dầu khí trên thế giới.

Với 38 báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, trong đó có 17 báo cáo được thảo luận tại hội thảo, hầu hết chuyên gia đều thống nhất, thân dầu trong đá móng nứt nẻ là một thân dầu có cấu trúc địa chất phức tạp, tính bất đồng nhất cao, đặc biệt là các tính chất thủy động lực học. Điều này đòi hỏi phải có sự tiếp cận đặc biệt và phù hợp trong công tác nghiên cứu thân dầu này. Trong số những giải pháp được đề cập thì giải pháp điều chỉnh chế độ khai thác và bơm ép nước một cách tối ưu và có thể áp dụng để duy trì áp suất vỉa đối với các thân dầu, cùng với việc sử dụng hệ thống gas-lift. Bản chất của giải pháp trên là thiết lập chế độ khai thác dầu và bơm ép hợp lý nhất như mạng lưới của từng giếng, áp suất bơm, thời gian bơm ép nước...

Trao đổi với PV Báo SGGP, Tiến sĩ Hoàng Văn Quý cho rằng, chỉ cần tăng được 1% hệ số thu hồi dầu thôi thì Vietsovpetro có thể có thêm được 5 - 6 triệu tấn dầu. Nếu nghiên cứu và áp dụng một cách đầy đủ các giải pháp được xem xét trong hội thảo này thì chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng nâng hệ số thu hồi dầu đối với các mỏ. Riêng thân dầu trong mỏ Bạch Hổ, hệ số này có khả năng lên tới trên 0,45% và khối trung tâm có thể là 0,50%.Theo các đại biểu, việc phát hiện ra thân dầu trong đá móng đã là khó nhưng việc tổ chức khai thác nó một cách hiệu quả còn khó hơn nhiều. Tuy VN đã trải qua 20 năm khai thác thành công thân dầu, với 1 tỷ 400 triệu thùng dầu đã được lấy lên, nhưng còn rất nhiều vấn đề vẫn đang tiếp tục được tranh luận, giả thiết và thử nghiệm. Nhưng những gì mà Vietsovpetro đã và đang làm được đã gợi mở rất nhiều cơ hội trong việc thăm dò và khai thác dầu khí của VN nói riêng và thế giới nói chung đối với kho “vàng đen” còn đang nằm sâu trong thềm lục địa.

Nguồn: Petrovietnam.info

HTH-P.KHĐT