Vừa qua, có một câu hỏi gửi về Văn phòng Tư vấn pháp luật của Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) là: "Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì cán bộ công đoàn là những ai?". Đây là một vấn đề khá thú vị mà tôi đã nhiều lần trao đổi cùng lãnh đạo CĐ DKVN và cũng tự mình thể nghiệm khi tham dự các hoạt động của Công đoàn Ngành.
Trước tiên, có thể thấy, việc công đoàn viên quan tâm đến cán bộ công đoàn là điều khá “lạ”. Bởi lẽ lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng việc của công đoàn là vô thưởng vô phạt, quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy cái “ma - chay - hiếu - hỉ”. Từ đó suy ra thì vai trò của người làm công đoàn cũng chả có sức nặng gì, ai làm cũng được, có cũng như không. Nhưng khi xã hội càng phát triển, doanh nghiệp sớm nở tối tàn thì người lao động càng ngày càng thấy rõ sự cần thiết của công đoàn và những người cán bộ công đoàn cũng ngày càng gần gũi, có trình độ hiểu biết sâu và rộng hơn đến những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của người lao động.
Thực tế, cán bộ công đoàn được quy định khá rõ trong Điều 5 của Điều lệ Công đoàn Việt Nam được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI thông qua ngày 30-7-2013. Cán bộ công đoàn được hiểu là người đảm nhiệm các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên thông qua bầu cử tại đại hội hoặc hội nghị công đoàn hoặc được cấp công đoàn có thẩm quyền chỉ định, công nhận, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ công đoàn hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
Cán bộ công đoàn dù là người đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức Công đoàn, được đại hội, hội nghị công đoàn các cấp bầu ra hoặc được cấp có thẩm quyền của công đoàn bổ nhiệm, chỉ định. Còn cán bộ công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm, do đoàn viên tín nhiệm bầu vào các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên và được cấp có thẩm quyền của công đoàn công nhận hoặc chỉ định.
Định nghĩa người làm công đoàn rất đơn giản và ngắn gọn như vậy, nhưng thực tế, để “chọn mặt gửi vàng” một vài cán bộ công đoàn cũng không phải là chuyện đơn giản. Trong một lần tâm sự với Phó chủ tịch CĐ DKVN Nguyễn Mạnh Kha thì, theo anh cán bộ công đoàn trước hết phải có cái tâm. Tâm ở đây phải là những người tốt, năng nổ quan tâm thực sự đến công việc, đời sống của đồng nghiệp. Ngược lại thì cán bộ công đoàn tuyệt đối không phải người vụ lợi, bon chen, nịnh nọt và mưu đồ chức quyền.
Tôi cũng có may mắn được tham gia nhiều hoạt động công đoàn dầu khí, từ các đơn vị thành viên đến lãnh đạo công đoàn, từ các hoạt động từ thiện đến văn hóa xã hội nên càng thấm thía về cái tâm của cán bộ công đoàn. Đặc biệt những dịp được đi làm công tác từ thiện thì lãnh đạo công đoàn luôn hăng hái đi đầu. Mà để làm từ thiện, hỗ trợ cho các công đoàn viên đâu có đơn giản như việc “vác tiền đi tặng”. Bên cạnh những cái lắt nhắt nhiêu khê về thủ tục với hàng trăm thứ giấy tờ, thanh quyết toán là sự phối hợp với địa phương xây dựng công trình, các ban, ngành Trung ương theo các chương trình từ thiện như mái ấm công đoàn, nhà tình nghĩa… Điều quan trọng nhất là việc phải đi đánh giá, kiểm tra từng trường hợp hỗ trợ.
Chị Nghiêm Thùy Lan, Chủ tịch CĐ DKVN vẫn thường nhắc lại với chúng tôi chuyện những lần về cơ sở tận vùng sâu tại rừng U Minh, Cà Mau. Những lần đi đó, cán bộ công đoàn ngành phải di chuyển bằng đủ thứ phương tiện từ xe đò, xuồng máy, đáp phà qua sông… Cảm giác của cả đoàn cứ như đi mãi mà không thấy tới nơi. Trong đoàn có nhiều người say xe, say sóng nhất là chị em phụ nữ, có chị “ngất lên ngất xuống”. Nhưng khi đến nhà công đoàn viên, chứng kiến cảnh đời khó khăn, éo le của từng gia đình, các chị , các anh lại không cầm lòng được. Chị Lan tâm sự: “Mỗi chuyến công tác như vậy là một lần trải nghiệm và chị cảm nhận rõ hơn một điều rằng mình rất may mắn và càng thấy trách nhiệm của một cán bộ công đoàn sẽ lớn hơn nữa”.
Trong câu chuyện với cán bộ CĐ DKVN, tôi còn được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động như chuyện về một cán bộ nữ mấy năm liền “lỡ hẹn” với cô con gái nhỏ khi không thể ở nhà đón sinh nhật với con. Số là cô bé có sinh nhật đúng dịp noel, mà cuối năm là khoảng thời gian cán bộ công đoàn luôn phải tất bật với những chuyến công tác dài ngày tại khắp các đơn vị trên cả nước. Bởi đây là dịp công đoàn các đơn vị của Tập đoàn tổ chức nhiều hoạt động tổng kết, đối thoại với người lao động, hội nghị cán bộ, công nhân viên… Hay câu chuyện về những cán bộ công đoàn có hàng chục năm không biết đến giao thừa bởi ngày mà hàng triệu người Việt đón tết thì cán bộ công đoàn phải tổ chức đón tết cho hàng ngàn công nhân trên các công trường, ngoài giàn khoan.
Hơn thế nữa, khi giá dầu giảm mạnh và kéo dài gần 3 năm qua khiến rất nhiều đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Chính lúc này người lao động dầu khí cần đến sự động viên, quan tâm nhất của những người mà mình đặt trọn niềm tin là những cán bộ công đoàn. Bởi vậy chị Lan cùng các đồng nghiệp đã phải đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, kiên trì đến từng đơn vị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những sáng kiến của người lao động. Từ đó, công đoàn ngành và lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị đã xây dựng được một kế hoạch đối phó với những ảnh hưởng đến từ giá dầu.
Cùng với cái tâm là phải có sự công bằng bởi người cán bộ công đoàn được ví như “cái cán cân” nối giữa người sử dụng lao động và người lao động. Để giữ được điểm công bằng này đòi hỏi cán bộ công đoàn phải luôn có ý thức trau dồi kiến thức pháp luật về lao động, thường xuyên nâng cao những kỹ năng mềm về công đoàn như đối thoại với người lao động, lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Có khả năng tư vấn cho người sử dụng lao động làm thế nào để luôn tuân thủ pháp luật, đồng thời đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Cũng phải nói thêm rằng, trong ngành Dầu khí thì có tới 90% cán bộ công đoàn đều thuộc dạng kiêm nhiệm. Trong nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn thì ngay cả Chủ tịch Công đoàn, các thành viên Ban Chấp hành Công đoàn đơn vị cũng kiêm nhiệm nhiều chức vụ chủ chốt như tại Tổng Công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Dung Quất, Liên doanh Vietsovpetro… Mà trong một ngành kỹ thuật cao, áp lực công việc nặng như dầu khí thì nhiệm vụ sản xuất kinh doanh phải đặt lên hàng đầu nên không thể đòi hỏi cán bộ công đoàn có nhiều thời gian, công sức dành cho hoạt động công đoàn. Chính vì vậy, để xây dựng một công đoàn vững mạnh, hoạt động có lớp có lang, bám sát thực tế những đặc trưng của từng đơn vị từ các cấp cơ sở lên đến toàn ngành là cả một kỳ công của nhiều thế hệ cán bộ Công đoàn Dầu khí.
Dù cán bộ công đoàn là ai, đảm nhiệm vị trí nào thì cũng là những con người, có gia đình, có người thân. Sự hy sinh của những người mẹ, người chị với tấm lòng mong đem một phần sức lực của mình giúp đỡ những đồng nghiệp trên mọi miền đất nước. Các chị, các anh những người cán bộ công đoàn như một ngọn đuốc soi đường, sáng mãi và luôn ấm áp trong tâm tưởng người dầu khí.
Theo PetroVietnam
Đọc thêm:
- Hội thao ngành Dầu khí 2016 khép lại thành công
- Khai mạc Hội thao ngành Dầu khí năm 2016
- "Sẽ luôn đảm bảo an toàn cho các công trình dầu khí trên biển"
- Vinh quang thuộc về tất cả các thế hệ Người đi tìm lửa
- PVTrans chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ các tỉnh miền Trung
- Tấm lòng người PVTrans hướng về miền Trung yêu thương
- Mâm cơm hạnh phúc
- Phụ nữ PVTrans trong đời sống đương đại
- Chia sẻ về công tác quản trị doanh nghiệp
- Rộn ràng đón “ Đêm hội Trăng rằm” năm 2016