Buồn vui ở Taxi Dầu khí

Không một ngành nào lại sở hữu một hãng taxi mang tên mình như ngành Dầu khí. Và không ở hãng taxi nào, người tài xế phải luôn ý thức mình là người Dầu khí như ở Hãng Taxi Dầu khí.

 

Ban đầu, tôi chỉ có ý định phỏng vấn, tìm hiểu, viết bài về anh Nguyễn Sỹ Long — người lái xe taxi đã tự giác trả lại đồ để quên có giá trị lớn cho khách hàng nhưng khi đến “đại bản doanh” — Trung tâm Taxi Dầu khí, tôi lại lượm lặt được ở đây được khá nhiều chuyện thú vị.

 

Bỗng dưng… nổi tiếng

 

“Thực sự đến bây giờ tôi cũng không thể nhớ tên chị khách hàng đó là gì, chỉ nhớ mang máng là chị ấy làm ở Ocean Bank. Hôm đó tôi đón chị từ siêu thị Thái Hà đi về Nguyễn Ngọc Vũ. Trả khách được một lúc, tôi nhận được điện thoại từ tổng đài báo khách để quên đồ. Tôi lập tức dừng xe, kiểm tra và phát hiện ở ghế sau có một ví phụ nữ. Cũng không mở ví xem bên trong có gì, tôi vội quay trở lại địa điểm trả khách ban nãy và trả cho chị. Từ đó, tôi cũng chưa có lần nào gặp lại chị ấy cả”. Anh Long phân bua khi được hỏi về sự vụ đã khiến anh trở thành “người nổi tiếng” ở Taxi Dầu khí, được Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí và Công đoàn Dầu khí biểu dương, khen thưởng nhiều lần trong năm 2011. Với anh, đó chỉ là một việc nhỏ trong rất nhiều lần trả lại đồ cho khách mà anh cũng như các đồng nghiệp của anh đã làm, có chăng chỉ vì sau đó bên khách hàng (chị Lê Bình An, công tác ở Ocean Bank) xác nhận trong ví có trị giá tiền lớn (17 triệu đồng) cùng nhiều giấy tờ quan trọng khác và qua tổng đài gửi lời cảm ơn anh mà thôi.

 

Lái xe Nguyễn Sỹ Long. Ảnh: PetroTimes

 

Được biết, anh Long sinh năm 1970, vào nghề từ năm 2007, đã có gia đình và hai con, hiện đang sống ở Hà Nội. Vợ bán hàng ở chợ Nhân Chính, hai con đang tuổi ăn học, thu nhập của gia đình anh cũng chỉ tàm tạm đủ ăn.

 

Khi được đặt vào tình huống hiện vật hay số tiền khách để quên có giá trị rất rất lớn do tôi giả thiết, không đợi đến một giây, anh Long cười hồn hậu: “Thú thực là con người ai cũng có tính tham cả. Trước một số tiền lớn trong đầu cũng phải phân vân suy nghĩ trả hay không trả chứ. Nhưng phải trả thôi vì nó không phải tiền mồ hôi nước mắt của mình, giữ nó, lương tâm mình day dứt lắm, trả xong người mình nhẹ bẫng đi ngay”.

 

Tôi lại xoáy thêm: “Vậy anh có mong được khách hàng cảm ơn không?”. “Ôi không, đến tên khách tôi cũng còn không nhớ ấy chứ. Chỉ mong sau đó họ trở thành khách quen và giới thiệu cho mình nhiều khách nữa thôi”, anh Long thành thật.

 

Góp thêm vào câu chuyện với anh Long, một đồng nghiệp của anh — anh Nguyễn Tiến Luyện — tài xế taxi vào ngành được 4 năm, người cũng đã từng nhiều lần trả lại đồ để quên cho khách cho biết: “Khi khách hàng rời xe và phát hiện mất đồ, họ sẽ biết là đã để quên trên xe, mà đã là xe taxi Dầu khí thì thế nào qua hãng, họ cũng biết là xe nào, ai lấy đồ và kiểu gì người ta cũng sẽ truy ra được. Bên cạnh đó, số tiền mà người ta quên chưa chắc đã là của người ta, có khi là tiền họ đi nhận về để trả lương cho công nhân hay đi vay để làm việc cấp bách cho gia đình. Do đó, chỉ cần một hành vi xấu đó thôi, mình có thể đã gây tổn hại cho bao người, ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh tiếng lâu dài của hãng. Có thêm số tiền đó, mình cũng chẳng giàu hơn được mà bản thân mình cũng không thể thoát được sự truy cứu của pháp luật và tòa án lương tâm”.

 

Theo thống kê của Trung tâm Taxi Dầu khí, trong những năm qua, có vô số trường hợp tài xế của hãng trả lại đồ cho khách, từ điện thoại di động cho đến ví tiền, từ đồ ít tiền cho đến vật có giá trị lớn. Đa số các trường hợp đều tự giác trả lại đồ cho khách, thậm chí còn đem trả trong khi khách còn ngỡ ngàng, chưa kịp phát hiện để quên hay có thông báo gì về tổng đài.

 

Chuyện thường ngày trong xe

 

Một ngày làm việc của tài xế taxi Dầu khí bắt đầu từ 5h và kết thúc vào lúc 21h. Trong khoảng thời gian trên, tài xế taxi buộc phải trực chiến luôn với chiếc taxi để chịu sự điều hành từ hãng qua bộ đàm, ngoại trừ hai buổi cơm trưa và chiều, có khi còn không kịp ăn.

 

Không chỉ đối mặt với những nhức nhối, phiền toái từ giao thông, tài xế taxi còn phải tiếp xúc với đủ loại đối tượng khách hàng, chứng kiến thượng vàng hạ cám chuyện trong xã hội, đối mặt với nhiều hiểm nguy rình rập nhất là khi khách hàng giở thói côn đồ hoặc quỵt tiền hay mang theo đồ quốc cấm.

 

Taxi Dầu khí đang tiếp nhiên liệu LPG. Ảnh: PetroTimes

 

Thời gian dành cho gia đình đã không nhiều, lễ tết lại càng hiếm hoi hơn vì đây là thời điểm đông khách, là lúc kiếm tiền, tăng thu nhập để bù lại những ngày ế ẩm trong năm.

 

Các anh tâm sự, trong khi là người lái những chuyến xe chở người về đoàn tụ với gia đình, sum vầy, hội họp bên bữa cơm ấm cúng, thì ở nhà các anh, cha mẹ vắng con, vợ vắng chồng, con thiếu bố, bếp nước nguội lạnh, phải ăn vội bát phở cầm lòng rồi lại lên xe. Có đêm 29 tết vẫn còn mướt mải đường xa lạnh giá, gục đầu trên vô lăng ngủ vùi, có đêm giao thừa vẫn không kịp về nhà nâng ly rượu tân Xuân. Suy cho cùng, cũng chỉ vì nghề vì nghiệp, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo…

 

“Nhưng ở đây cũng như một gia đình vậy”, giọng anh Long bỗng hứng khởi. Anh em taxi trong hãng rất biết chia sẻ với nhau từ kinh nghiệm, kỹ năng, tình huống trong giao tiếp, ứng xử với khách, nhất là khách có hành vi không đúng mực như: quỵt tiền, bắt chở đi vòng vèo hoặc khi thấy khách có vẻ bồn chồn, bất an… cho đến tự nguyện nhường nhau cuốc khách đường dài có đi qua quê bạn những ngày lễ, tết.

 

Bên cạnh đó, cơ chế ăn chia thỏa đáng, môi trường làm việc văn minh, hiện đại, anh em lái xe được tạo điều kiện để có thể tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, các phong trào thi đua và được khen thưởng xứng đáng, đúng người, đúng việc cho các hành vi tốt, các lái xe có phong cách phục vụ khách hàng tốt, có doanh thu cao và giữ gìn phương tiện tốt… do hãng, Tổng Công ty và Công đoàn Dầu khí tổ chức, tài trợ cũng khiến anh em lái xe cảm thấy an tâm, gắn bó và tự hào được là một thành viên trong đại gia đình Petrovietnam.

 

Cũng từ nhận thức đó, anh em lái xe cũng xây dựng ý thức, rèn luyện bản thân, thực hiện phong cách phục vụ văn minh, lịch sự, hết lòng vì hành khách với tất cả sự tận tụy, trung thực và niềm tự hào “Taxi Dầu khí”.

 

Sau những thử nghiệm thành công từ việc thay thế nhiên liệu xăng dầu truyền thống sang sử dụng LPG cho xe ôtô, năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục đầu tư cho hoạt động taxi gas thông qua việc thành lập Công ty CP Dịch vụ Vận tải Dầu khí Cửu Long (PCT) tại TP HCM và Công ty CP Vận tải Đông Dương (Petrotrans) tại Hà Nội, đồng thời cho ra đời thương hiệu Taxi Dầu khí. Hiện nay, dịch vụ Taxi Dầu khí được triển khai tại Hà Nội, Nam Định, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và đang mở rộng tới các địa phương khác với trên 800 đầu xe sử dụng nhiên liệu sạch LPG.

 

 

Nguồn: PetroTimes